(kontumtv.vn) – Tình trạng khai thác vàng trái phép  trên địa bàn xã Đăk Kan (Ngọc Hồi, Kon Tum) đã diễn ra trong khoảng thời gian khá dài. Song do không được xử lý triệt để, nên tài nguyên ngày càng thất thoát, môi trường ngày càng bị ảnh hưởng. Nguy hại hơn là tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể gây thiệt hại về tính mạng con người do tình trạng đào hầm hố bừa bãi. Trước thực trạng này, người dân đặt câu hỏi: Chính quyền địa phương đã quản lý tài nguyên như thế nào mà để diễn ra tình trạng ngang nhiên khai thác vàng trái phép như thế?

Tại tiểu khu 181 thuộc Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam quản lý, trên dãy Sạc Ly, địa bàn xã Đắc Kan, huyện Ngọc Hồi, suốt thời gian  dài “vàng tặc” đã ngang nhiên đào đãi vàng tại đây. Việc đào đãi vàng ở đây không phải  diễn ra nhỏ lẻ. Ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: “Đây là các  đối tượng người dân họ đến làm. Họ làm trong mọi thời gian, mọi lúc và lực lượng hết truy quét thì họ lại tiếp tục. Một khuyết điểm của chúng tôi là không xử lý triệt để những điểm mà họ đã đào đãi, cứ thế họ cứ tiếp tục đào đãi ở đây”.

Hiện trường khai thác vàng trái phép ở Ngọc Hồi
Hiện trường khai thác vàng trái phép ở Ngọc Hồi

Tại hai tiểu khu 180, 181 thuộc địa bàn xã Đắc Kan (huyện Ngọc Hồi) và xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), “vàng tặc” đã ngang nhiên tổ chức khai thác trái phép trong suốt thời gian dài. Tại đây chỉ trong diện tích khoảng 500m2, có tới hàng chục hầm vàng lớn nhỏ khác nhau. Cùng với giếng đứng, “vàng tặc” còn đào những hầm ngang dài cả trăm mét và dùng gỗ gia cố chống sập. Đáng quan tâm là trong khi “ vàng tặc” lộng hành, Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam, đơn vị quản lý các tiểu khu này, đã phát hiện và báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huyện Ngọc Hồi. Thế nhưng tình trạng này vẫn tồn tại thời gian dài. Ông Tống Hữu Chân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam cho biết: “Việc này Công ty đã phát hiện từ trước và đã báo cáo với chính quyền địa phương là UBND xã Đăk Kan. UBND Xã Đăk Kan đã cử lực lượng dân quân, công an vào phối hợp với lực lượng cán bộ Công ty để truy quét. Khi lực lượng vào truy quét, đối tượng đào đãi vàng trái phép bỏ ra khỏi hiện trường, nhưng khi lực lượng truy quét rút thì đối tượng này lại tiếp tục vào, chủ yếu là ban đêm”.

Cuối tháng 6 vừa qua, sau khi báo chí phản ánh về  thực trạng này, huyện Ngọc Hồi đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp bảo vệ tài nguyên khoáng sản với UBND huyện Sa Thầy và Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam, nhằm  ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác vàng trái phép trên dãy núi Sạc ly và vùng giáp ranh. Đồng thời đã huy động lực lượng dân quân, công an xã Đắk Kan và cán bộ một số cơ quan chức năng của huyện vào hiện trường khai thác để truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc” ra khỏi địa bàn. Tại bãi khai thác lớn nhất ở tiểu khu 181, lực lượng dân quân, du kích xã Đắc Kan đã tổ chức san lấp 10 hầm vàng, đồng thời tổ chức canh trực cả ngày lẫn đêm đề phòng “vàng tặc” quay trở lại. Ngoài ra UBND huyện Ngọc Hồi và  Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam cũng đã xây dựng phương án cụ thể để đối phó với tình trạng này.

Mặc dù đã có giải pháp cụ thể, song liệu các giải pháp này có phát huy được hiệu quả? Vì thường vào thời điểm mùa mưa, đường sá đi lại khó khăn, lực lượng tuần tra khó tiếp cận các bãi khai thác vàng, đây là cơ hội thuận lợi để “vàng tặc” lộng hành khai thác tài nguyên trái phép. Và tình trạng này nếu không được xử lý triệt để thì không những tài nguyên bị thất thoát, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng mà  còn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng  con người.

                                                                       Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *