(kontumtv.vn) – Hiện nay trên địa bàn thành phố Kon Tum có 8 chợ; trong đó có 1 chợ hạng 2, 3 chợ hạng 3 và 4 chợ tạm. Đáng quan tâm là các hộ kinh doanh buôn bán ở khu vực các chợ thường xuyên lấn chiếm lòng lề đường gây mất trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Chợ Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum được đầu tư xây dựng vào năm 1993 và đưa vào sử dụng năm 1995, với tổng diện tích 19.800 m2. Tổng diện tích các điểm kinh doanh 3.964 m2, tổng số điểm kinh doanh tại chợ là 554 điểm. Tuy được xây dựng kiên cố nhưng một điều rất dễ để nhận thấy là hiện nay chợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kinh doanh của các hộ tiểu thương bởi liên quan đến hàng loạt các vấn đề chưa phù hợp như phân bổ diện tích, sắp xếp vị trí buôn bán kinh doanh; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, PCCC… nên chưa phát huy tiềm năng và đảm bảo được yêu cầu văn minh thương nghiệp. Hiện mặt bằng trong chợ sử dụng khoảng 85%, phần còn lại bà con tiểu thương đã bỏ trống, chuyển ra khu vực bên ngoài để buôn bán kinh doanh dưới lòng, lề đường.

Lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán
Lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán

Chợ Duy Tân được đưa vào hoạt động năm 2005, với tổng diện tích 9.150 m2. Trong đó diện tích sử dụng gần 6.400 m2, hiện có 224 hộ kinh doanh. Chợ Duy Tân được xây dựng kiên cố phân thành các khu riêng biệt. Tuy nhiên việc sắp xếp các ngành hàng chưa khoa học; đặc biệt tại chợ có khu giết mổ gia cầm gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến các hàng hóa và cư dân gần kề. Việc lần chiếm các lòng, lề đường làm nơi buôn bán, ảnh hưởng trực tiếp trật tự an toàn giao thông đã và đang diễn ra ở khu vực này.

Chợ phường Quyết Thắng có tổng diện tích hơn 1.000 m2, hiện tại có 150 điểm kinh doanh trong lồng chợ và có 22 ki ốt xung quanh chợ. Hiện nay chợ này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kinh doanh như phân bố diện tích, sắp xếp vị trí buôn bán kinh doanh; mặt bằng chưa phù hợp với quy mô hoạt động, vệ sinh môi trường các hệ thống nước thải, an toàn thực phẩm, PCCC… khu vực này là một trong những điểm nóng về tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán, gây ách tắc giao thông.

Chợ Võ Lâm là chợ tạm được nhóm họp thường xuyên trong ngày. Do diện tích họp chợ nhỏ nên các hộ kinh doanh thường xuyên lấn chiếm lòng, lề đường gây mất trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Tình trạng này đã và đang diễn ra phổ biến, nhất là vào ngày rằm và ngày cuối tháng, các hộ buôn bán hoa tươi và trái cây tăng cao, gây mất trật tự giao thông ở khu vực.

Chợ Đào Duy Từ được UBND thành phố giao UBND phường Thắng Lợi  quản lý. Thời gian đầu chợ chỉ nhóm họp vào buổi sáng. Hiện có khoảng từ  5 đến 7 hộ kinh doanh tại chợ. Thời gian gần đây, khu vực chợ giải phóng mặt bằng để xây dựng lại nên các hộ kinh doanh buôn bán tràn lan ở lòng lề đường Đào Duy Từ tại khu vực ngã ba đường  Đào Duy Từ và Bà Triệu. Tình trạng này đã và đang gây mất mỹ quan đô thị, làm cản trở  giao thông và gây ô nhiễm mỗi trường tại khu vực.

Chợ tạm phường Quang Trung được xây dựng tại khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai nhằm di dời, giải tỏa các hộ kinh doanh buôn bán tại khu vực Quảng trường 16/3. Chợ chưa được xây dựng theo đúng vị trí quy hoạch và việc bố trí các quầy hàng buôn bán còn khá nhiều bất cập. Có rất nhiều hộ buôn bán không vào bên trong khu vực qui định mà buôn bán ngay dưới lề đường Nguyễn Thị Minh Khai. Vào khoảng thời gian từ 16 giờ đến 17 giờ chiều hàng ngày, khu vực này thường xuyên bị kẹt xe. Đáng quan tâm là chợ này được xây dựng nhằm di dời, giải tỏa các hộ kinh doanh buôn bán tại khu vực Quảng trường 16/3, song tình trạng buôn bán ở những khu vực này vẫn không hề thuyên giảm, nhất là vào các khoảng thời gian 6 -7 giờ sáng, 10-11 giờ trưa, 16-17 giờ chiều hàng ngày.

 Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *