(kontumtv.vn) – Với đặc tính dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, ít kén chọn đất, tuy không khuyến khích phát triển, nhưng hiện nay, diện tích cây sắn trên địa bàn tỉnh Kon Tum tương đối lớn, với gần 40.000 ha, thu hút đầu tư  nhiều nhà máy chế biến các sản phẩm từ sắn, trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh và là cây trồng chính của nhiều hộ gia đình.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hòa (thôn 6, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) có gần 2 ha sắn. Nhờ chân đất tương đối bằng phẳng, lại có đầu tư thêm một ít phân bón NPK và đạm Urê, nên mặc dù đã trồng liên tiếp trong nhiều năm qua nhưng hiện nay, cây sắn vẫn sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, bình quân đạt 50 tấn củ tươi/ha. Với mức giá 1.400 đồng/kg sắn tươi hiện nay, 1 ha thu được 70 triệu đồng. Chị Hòa chia sẻ: “1 ha sắn đầu tư phân bón chỉ mất 4 – 5 triệu đồng, mà thu nhập trừ chi phí hết là khoảng 20 triệu đồng. So với những cây trồng khác, lợi nhuận tốt hơn. Về chăm sóc thì nó dễ thôi, căn bản là ta phải làm sạch cỏ thì cây sắn  mới tốt, phát triển được”.

Tuy nhiên, hiện nay, diện tích cây sắn được trồng trên chân đất bằng phẳng là rất ít, vì phần lớn để dành cho trồng cây cà phê và cao su. Những diện nào không trồng được 2 loại cây công nghiệp chủ lực mới để trồng sắn, nên năng suất, thu nhập có phần hạn chế hơn. Rẫy sắn của gia đình anh Nguyễn Văn Lợi là một trong những rẫy sắn khá điển hình cho mặt bằng chung về cây sắn hiện nay trên địa bàn tỉnh. Cũng cùng 1 loại giống, trồng cùng thời điểm với vườn sắn của chị Nguyễn Thị Hòa, nhưng sự phát triển của cây sắn ở đây khác hẳn. Thân thấp, còi hơn và củ cũng bé hơn nhiều. Một phần do trồng trên đất dốc, nhiều năm đã bạc màu, một phần do ít đầu tư chăm bón. Anh Nguyễn Văn Lợi cho biết, rẫy sắn ở đây phải trồng 2 năm mới thu hoạch được và năng suất rất thấp, chưa tới 20 tấn củ tươi/ha; chỉ lấy công làm lời, còn nếu thuê nhân công thì không đủ cho chi phí.

Cây sắn được đầu tư thâm canh sẽ cho năng suất cao
Cây sắn được đầu tư thâm canh sẽ cho năng suất cao

Một trong những nguyên nhân cây sắn còi cọc, năng suất thấp là do người dân trồng sắn trong nhiều năm mà không bổ sung lượng phân chuồng, phân vi sinh cho đất, dẫn đến đất bạc màu. Mặc khác, do không khuyến khích phát triển nên nhiều năm qua, việc quan tâm đầu tư, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh cây sắn cho người dân của các cấp, ngành, địa phương còn chưa được chú trọng, nên đất trồng sắn vốn đã nghèo lại càng cạn kiệt dinh dưỡng.

Tuy năng suất ngày một tụt giảm, thu nhập thấp, nhưng do dễ trồng, chi phí đầu tư ít, phù hợp với điều kiện canh tác của người dân và hơn nữa, với điều kiện đất dốc lớn, nếu không trồng cây sắn thì cũng khó có thể trồng được cây gì khác. Vì vậy diện tích cây sắn trên địa bàn tỉnh những năm qua, tuy không tăng là mấy, nhưng chiếm tương đối lớn, với gần 40.000 ha và trở thành cây trồng chính của một số địa phương và nhiều hộ dân trong vùng. Ông Trần Đức Lợi, cán bộ nông nghiệp xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy nói: “Cây cà phê thì đầu tư nhiều mà giá lại đang giảm. Cây cao su cũng vậy, phát triển ồ ạt đến nay cũng giảm, cho nên xã chủ yếu lấy cây mì làm cây chính phát triển kinh tế cho nông dân. Cũng mong cấp trên  quan tâm tìm ra giống mì nào có năng suất cao hơn để thay thế giống mì cách đây đã 5 – 6 năm rồi. Thứ hai thì cũng tập huấn cho bà con  cách chăm bón, chủ yếu nông dân chỉ học nhau là chính thôi, có hộ thì cũng làm tốt, hộ thì làm theo chưa được tốt lắm, cho nên năng suất bị giảm, thu nhập không được cao”.

Với vùng nguyên liệu dồi dào, chất lượng tinh bột cao, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thu hút 06 nhà máy chế biến tinh bột sắn và 01 nhà máy chế biến cồn sinh học, với tổng công suất thiết kế của 07 nhà máy trên 900.000 tấn củ tươi/năm. Tuy nhiên, tổng sản lượng nguyên liệu sắn hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng gần 600.000 tấn. Xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, đồng thời để khắc phục những mặt hạn chế trong phát triển cây sắn, những năm gần đây, tỉnh Kon Tum và một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; xây dựng một số mô hình thâm canh cây sắn bằng giống mới KM 140 tại một số địa phương và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên việc nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn, do một phần bà con quen với cách canh tác cũ, một phần do nhiều diện tích sắn được người dân trồng trên đất dốc, nên không áp dụng được các biện pháp canh tác bền vững và một phần là do người dân thiếu vốn đầu tư phân bón.

Tuy còn nhiều khó khăn, bất cập, nhưng rõ ràng trong những năm qua, cây sắn đã đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, giảm nghèo của địa phương và là cây trồng gắn bó với nhiều hộ dân. Đặc biệt, qua thực tế trồng sắn của bà con nông dân cho thấy, những diện tích nào trồng đúng kỹ thuật, có đầu tư thâm canh thì hoàn toàn có thể duy trì được năng suất cao và ổn định, bảo vệ được dinh dưỡng đất trồng sắn và mang lại thu nhập khá cao so với các loại cây trồng hiện nay. Đây là thực trạng để Kon Tum tiếp tục nghiên cứu tìm giải pháp phát triển bền vững cây sắn trong thời gian tới.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *