(kontumtv.vn) – Ngày 31/5 là Ngày Thế giới không hút thuốc lá. Chủ đề năm nay được Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa ra là “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Thông điệp này, một lần nữa nhấn mạnh hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, nhất là các bệnh về phổi, trong đó bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay còn gọi là COPD.

Việt Nam hiện là quốc gia có số người trên 30 tuổi bị bệnh COPD cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, với tỷ lệ 6,7% dân số mắc phải. COPD là bệnh phổi có tắc nghẽn đường thở kéo dài và không hồi phục được hoàn toàn cho dù được điều trị. Đa số người mắc bệnh COPD đều có tiền sử hút thuốc lá kéo dài trong nhiều năm. Bệnh COPD được xếp thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong, chỉ sau các bệnh như tim mạch, ung thư và tai biến mạch máu não. Tại Quảng Ngãi, trung bình mỗi năm, các cơ sở y tế đã tiếp nhận và điều trị trên một nghìn lượt bệnh nhân COPD. Đây là căn bệnh hiện chưa có thuốc đặc hiệu nên việc điều trị chủ yếu dựa vào triệu chứng của bệnh.

Điều trị cho bệnh nhân COCD
Điều trị cho bệnh nhân COPD

Ròng rã 5 năm nay, bệnh nhân này phải nằm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi để điều trị bệnh COPD. Ông cho biết, phát hiện bệnh từ năm 2014, khi đó người choáng, khó thở và tức ngực nhiều nên phải đi cấp cứu và được chẩn đoán bị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Ông đã hút thuốc lá trong thời gian khá dài, trên 30 năm. Và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh mà ông đang mắc phải. Bệnh nhân này cho biết: “Hút thuốc hồi 15 tuổi miết tới 50 tuổi, lâu lắm cho nên mới bị như vậy. Rồi sau này qua lao, giờ đau miết tới bây giờ, cũng duy trì ghê gớm mà cũng chưa giảm được, giờ rất mệt”.

COPD do 2 nguyên nhân chính là môi trường và hút thuốc lá. Trong đó, thuốc lá là nguyên nhân chiếm trên 75% các trường hợp bị bệnh. Hút thuốc lá gây ra phản ứng viêm, tổn thương các tiểu phế quản, làm phù nề và hẹp dần lòng phế quản. Thời gian dài sẽ gây tổn thương phổi, cản trở quá trình trao đổi khí, gây khó thở cho người bệnh. Ở giai đoạn nặng, bệnh không chỉ gây tổn thương ở phổi và phế quản mà còn gây tổn thương trên tất cả các cơ quan, bộ phận cơ thể như tim, cơ, xương…rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Bác sỹ Lê Quang Trung, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi nói: “Hiện tại thì không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu dự phòng là chính, trong đó phòng với những người tiếp xúc với thuốc lá hoặc khói thuốc lá thì phải bỏ thuốc lá, tiếp xúc môi trường khói bụi độc hại thì phải loại bỏ khói bụi độc hại. Chế độ ăn uống bồi dưỡng, sinh hoạt đều đặn sẽ làm chậm tiến triển đến giai đoạn nặng”.

Thống kê của Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi, cả năm 2018, Bệnh viện chỉ tiếp nhận và điều trị 200 ca bệnh COPD. Nhưng 5 tháng đầu năm 2019 đã có trên 100 trường hợp đến điều trị. Con số này cho thấy số lượng bệnh nhân mắc bệnh COPD ngày càng tăng. Bác sĩ Nguyễn Bé, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi nói: “Bệnh viện cũng thường xuyên triển khai tất cả các giải pháp cho tất cả cán bộ viên chức các khoa phòng tư vấn cho những người bệnh tại bệnh viện về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, của bản thân bệnh nhân cũng như người nhà của họ. Tại vì chúng ta biết, ngoài bản thân người hút thuốc chủ động thì gây rất nhiều bệnh thì những người thân sống quanh họ cũng bị ảnh hưởng không thua gì, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em”.

Bệnh COPD hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu vì thế rất khó để điều trị dứt điểm. Do vậy, cách phòng bệnh duy nhất là nên nói không với thuốc lá, vì đây chính là tác nhân chiếm đến 75% gây ra bệnh COPD, đe dọa  đến tính mạng người bệnh.

Thục Uyên – Lương Triều

Đài PT-TH Quảng Ngãi

                                                                 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *