(kontumtv.vn) – Bắt đầu từ ngày 22/11, Sở Y tế tỉnh Kon Tum triển khai tiêm bổ sung vắc xin phòng bạch hầu cho đối tượng từ 8 – 25 tuổi ở huyện Đăk Hà. Đây là địa phương có 4 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu trong năm nay.

Các trường hợp mắc bạch hầu ở huyện Đăk Hà đến từ xã Đăk Ui và xã Ngọc Réo. Với 2 ổ dịch bạch hầu này, ngành Y tế tỉnh tập trung triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td cho đối tượng từ 8 – 25 tuổi. Mục tiêu của chương trình là tăng cường miễn dịch cộng đồng, tạo điều kiện khống chế, bao vây, dập tắt ổ dịch, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh bạch hầu.

TIEM BO SUNG VAC XIN PHONG BACH HAU TAI HUYEN DAK HA

Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh, Phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà nói: “Tổ chức tiêm ở một điểm là tại trạm và một điểm là ở ngoài trạm, đó là ở tại các thôn, ở các nhà rông và các điểm trường. Song song với đó thì có xe cứu thương và đội chăm sóc có kinh nghiệm. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu”.

Chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu tại 2 xã Đăk Ui và Ngọc Réo, huyện Đăk Hà được chia thành ba đợt. Đợt 1, đợt 2 diễn ra trong tháng 11 và tháng 12/2019; tháng 7/2020 tổ chức đợt 3. Khoảng 4.200 người ở 19 thôn của 2 xã sẽ tham gia tiêm chủng. Mục tiêu của chiến dịch là 95% đối tượng được tiêm đủ 3 mũi vắc xin Td.

Thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu, các cơ sở y tế trên địa bàn huyện đẩy mạnh truyền thông và nhất là phối hợp với các đơn vị trường học để triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng đối với đối tượng là học sinh. Cô giáo Lê Thị Xuân, cán bộ phụ trách Y tế Trường TH – THCS xã Đăk Ui cho biết: “Sau khi nhận được công văn của Sở Y tế cũng như của Trạm Y tế xã về kế hoạch triển khai tiêm vắc xin Td phòng chống bạch hầu cho học sinh, được phân công kiêm nhiệm mảng y tế trường học, tôi đã phổ biến, tuyên truyền kế hoạch tới tất cả giáo viên chủ nhiệm lớp, toàn thể học sinh nhà trường hiểu được lợi ích, ý nghĩa của việc tiêm vắc xin và tuyên truyền các em tham gia tiêm phòng đầy đủ theo lịch”.

Mỗi đợt tiêm chủng, ngành Y tế chủ động chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế, vắc xin và nhân lực, đảm bảo quá trình tiêm chủng diễn ra an toàn. Điều dưỡng Nguyễn Thị Vân, cán bộ phụ trách Trạm Y tế xã Đăk Ui nói: “Đầu tiên thì bà con cũng không biết về bệnh này. Khi được Trạm y tế xuống tuyên truyền tại thôn thì hầu như bà con đều biết được cái bệnh nguy hiểm như thế nào thì họ đều lên trạm hỏi thăm tiêm dịch vụ hay tiêm chiến dịch như thế nào để họ có thể dẫn con em đi tiêm để phòng bệnh”.

Đối với những trường hợp từ 8 – 25 tuổi chưa tham gia hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin Td, trạm Y tế các xã tiếp tục rà soát, nắm số lượng để thực hiện tiêm vét, tiêm bổ sung.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *