(kontumtv.vn) – Một chương trình, nhiều bộ sách, đổi mới phương pháp dạy học… đều là những vấn đề “cũ” của các cuộc cải cách, đổi mới trước đây.

Ở nước ta tính từ thời đổi mới đến nay không có một ngành nghề nào như sự nghiệp trồng người lại phải “chạm mặt” nhiều đến thế với các chương trình cải cách.

Con số sơ suất

Có lẽ chưa có thời nào từ “cải cách” được dùng với tần số cao như vậy trong chỉ đạo và hoạt động nhiều mặt của giáo dục. Không chỉ thu hút sự quan tâm của người trong ngành mà truyền thông, dư luận cũng vào cuộc. Từ các vị giáo sư khả kính đến các nhà báo “chuyên giáo dục” cùng phụ huynh học sinh các cấp học phổ thông, tất cả vào cuộc bàn thảo khi sôi nổi khi trầm lắng nhưng dường như không bao giờ dứt.

Vì sao vậy? Một điều hiển nhiên, giáo dục và sự thành bại của giáo dục liên quan trực tiếp đến tương lai gần, tương lai xa của hàng triệu gia đình nước Việt, không ai có thể đứng ngoài  “vòng kim cô”.

giáo dục, cải cách, đề án, ngàn tỷ, SGK, chương trình
Các nhà quản lý đang tiếp tục dự kiến thay đổi SGK và chương trình học cho các thế hệ học sinh mới. Ảnh: Văn Chung

Con số 34 ngàn tỷ vừa được “cải chính” là sơ suất do cách ước tính của các chuyên gia. Nhưng cho dù con số đó chưa cụ thể là bao nhiêu, thì nỗi lo của xã hội về công cuộc đổi mới giáo dục sắp tới không phải không có cơ sở.

Bởi 4-5 cuộc cải cách, đổi mới GD liên tiếp nhưng dư âm chất lượng giáo dục để lại trong lòng người dân và cả xã hội vẫn là dấu hỏi to tướng. Là hoài nghi và thất vọng trước công cuộc “trồng người trăm năm”, khi mà 12 năm còn… chửa xong. Hỏi vì sao lại thế? Hỏi người  tiền nhiệm ư? Các chuyên gia giáo dục ư ? Đánh đố nhau quá !

Chỉ biết nhãn tiền, việc đại sự quốc gia vận hành “cỗ máy cái” đào tạo con người mang tên giáo dục vẫn chưa có gì sáng sủa. Nói cụ thể hơn, sau nhiều lần cải cách,vẫn không sao đưa ra được lộ trình giáo dục khoa học và thực  tiễn để tiến tới thực hiện ước mơ mà lẽ ra phải là hiện thực từ lâu rồi mới phải- “trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò”- như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói một cách tâm huyết và giản dị, như chân lý.

Đã có người nói toạc ra rằng tòa nhà giáo dục hỏng là hỏng  từ nền móng, từ thiết kế, không thể  “đổ tiền tấn” của dân làm cái việc đánh bùn sang ao, cải cách chắp vá nữa.

Biết bao nhiêu là ý kiến tâm huyết, không ít kiến giải và đóng góp cụ thể cho việc hoạch định lộ trình căn bản cho giáo dục Việt Nam thời hiện đại đã được các bậc trí thức cao niên khả kính nêu lên. Và đâu phải một lần các giáo sư đầu ngành tiêu biểu, những nhà giáo cao niên điển hình, những học giả nổi danh được đích thân lãnh đạo cấp cao nhất gặp gỡ, nghe ý kiến.

Hoài nghi

Song cỗ máy giáo dục dường như không mấy nhúc nhích với quán tính hoạt động cố hữu của nó, mà dễ nhận thấy nhất là chạy theo thành tích, phong trào. Có lẽ  vì mọi sự không ổn, không ổn… toàn diện chăng mà giờ đây lại thấy “các tổng công trình sư giáo dục” vội vã thực thi lộ trình kế hoạch mới.

Trước hết là đệ trình, đề xuất với cơ quan lập pháp “xin trọn gói” 34 ngàn tỷ đồng, tiếp tục cải cách “chồng lên ” “gối đầu” cải cách. Và theo như lời giải trình của người có trách nhiệm ở Bộ Giáo dục trước báo chí, thì ngoài  ra còn nhiều đề án “ăn theo” như các  “đề án đổi mới đào tạo ,đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên” ” đề án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật . . .

Chỉ có một điều người viết bài này động tới vấn đề giáo dục vĩ mô nước nhà không khỏi băn khoăn. Một là căn cứ vào “cơ sở thực tiễn và khoa học ” nào mà năm 2011 đề án “đổi mới chương trình, sách giáo khoa”- hai việc cứ cho là “đại trọng”, kinh phí 70 ngàn tỷ mà đề án sau năm 2015 ngoài chương trình và sách giáo khoa “nhất thiết phải đổi mới kỳ nữa” còn nhiều dự án “ăn theo” nữa.

Kinh phí đề xuất ban đầu chỉ khiêm tốn 34 ngàn tỷ, và giờ, tin chính thức là sơ suất do cách ước tính của các chuyên gia, chưa bằng một nửa đề án ba năm về trước. Cách làm việc đó, một lần nữa khiến xã hội hoài nghi về năng lực mang tầm chiến lược của ngành.

Một mặt khác, đề án mới trình diện ra mắt cơ quan lập pháp và báo chí truyền thông, đã “vấp” phải gần như toàn bộ là những ý kiến phản biện, những lời bình nghị hoài nghi, lo lắng về tính khả thi của nó, về mục tiêu “đổi mới” mà “không có gì mới” của nó. Mặc dù vị đại diện của Bộ GD tuyên bố rằng, đổi mới cách dạy và học từ mẫu giáo đến lớp 12 “không đứt đoạn” “không đứt khúc” mới là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Bởi nếu xem xét, có thể thấy rằng một chương trình, nhiều bộ sách, đổi mới phương pháp dạy học… đều là những vấn đề “cũ” của các cuộc cải cách, đổi mới trước đây. Còn bồi dưỡng giáo viên, có cuộc cải cách, đổi mới nào không phải bồi dưỡng? Người viết bài này cũng có cả con trai con gái  đến cháu nội cháu ngoại đi học từ mẫu giáo qua phổ thông trung học, và tin rằng, có hàng triệu người như tôi, cũng mang một nỗi lo “đến hẹn lại gặp … cải cách” là vậy.

Chả biết đề án cải cách ngàn tỷ lần này có  tầm kinh bang tế thế đến đâu mà bước đầu chỉ thấy  . . . .hoài nghi từ trên xuống dưới! Và một vài vị giáo sư khả kính đã vì “sốc” mà lên tiếng sớm trước dư luận xã hội rằng chỉ cần “một phần nghìn” số tiền đó cũng đủ “cải cách” theo kiểu  Bộ. . .

Đừng để tiền thì khủng mà lòng tin thì… thủng!

  • Đào Dục Tú/Vietnamnet  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *