(kontumtv.vn) – Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập với mục đích “Đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh có cuộc trao đổi với ông Bùi Duy Chung, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh trong việc xây dựng khối đại đoàn kết, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tham gia vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Mời quý vị cùng theo dõi!

Phóng viên: Thưa ông, kế thừa truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai các nội dung, hoạt động gì, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và kết quả đạt được như thế nào?

Ông Bùi Duy Chung – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh: Kế thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc ta, về phía Mặt trận thì chúng ta biết rằng những nội dung mà Mặt trận cần làm: Thứ nhất, tiếp tục củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu; Thứ hai, Mặt trận phát động các phong trào thi đua yêu nước; Thứ ba, vận động để xây dựng cái thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân; Thứ tư, chúng tôi phát huy vai trò uy tín của già làng, của trưởng bản, của những người uy tín trong cộng đồng dân cư, tạo nên những tấm gương sáng để cộng đồng dân cư học tập. Thứ năm, hàng năm chúng tôi là tập hợp, tổ chức các cuộc gặp mặt. Đồng thời tổ chức các đoàn đi thăm các cơ quan của Đảng, của nhà nước trên địa bàn, tạo sự thân mật tin tưởng và tin cậy lẫn nhau. Qua 5 nội dung chính mà Mặt trận triển khai thì kết quả chúng ta cũng nhận thấy rõ, những năm qua, cột mốc đường biên được giữ vững; nhân dân đã nâng cao cảnh giác, đã đập tan các thế lực thù địch mà chống phá khối đại đoàn kết; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, hộ nghèo thì càng ngày càng giảm, đời sống nhân dân thì ngày càng khá lên. Điều đó chứng tỏ là đời sống kinh tế của nhân dân cùng với việc bảo vệ tỉnh Kon Tum chúng ta ngày càng giữ vững.

Phóng viên:  Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai những hoạt động cụ thể gì để Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững” đi vào thực tế đời sống và đến nay đạt được kết quả nổi bật nào, thưa ông?

Ông Bùi Duy Chung – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh: Trước hết, tổ chức một lễ phát động trong toàn tỉnh, trong toàn huyện để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; thứ hai, chúng tôi tổ chức tập huấn cho những nơi đang còn khó khăn, để người dân có nhận thức đúng. Đồng thời chúng tôi xây dựng sổ tay tuyên truyền bỏ túi cho cán bộ tuyên truyền biết, trên cơ sở tuyên truyền một cách tập trung, trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời là chúng tôi xây dựng các mô hình điểm để tổ chức cho các nơi còn khó khăn tham quan, học hỏi và đặc biệt là tranh thủ các nguồn lực của xã hội để giúp cho người nghèo có cái điều kiện để vươn lên và thoát nghèo. Kết quả hiện nay thì rõ ràng là chúng ta thấy rằng là trước hết là đối với hộ nghèo và hộ nghèo. Năm 2020 có trên 13.000 hộ cận nghèo, qua một năm tổ chức thực hiện thì cũng đã giảm gần 5.000 hộ nghèo. Hiện nay là còn trên 8.000 hộ nghèo, bình quân giảm 3 – 4%. Còn hộ cận nghèo thì còn 7.500, hiện nay đã giảm được 500 theo số liệu khảo sát cuối năm 2021. Hiện Mặt trận đang tập trung làm sao để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, nhất là vùng sâu vùng xa, nơi mà đồng bào dân tộc thiểu số đang còn khó khăn để sớm thực hiện đúng các chỉ tiêu mà Kết luận 08 đã đề ra. Đến năm 2025 giảm ít nhất 50% số hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay.

Phóng viên:  Thưa ông, để mỗi phong trào, cuộc vận động được cụ thể hóa đến từng khu dân cư, tạo sự chuyển biến ở mỗi cá nhân, điều cốt yếu nhất UBMTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh phải làm gì và hiện nay đã triển khai thực hiện như thế nào?  

Ông Bùi Duy Chung – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh: Nội dung vận động chúng tôi là ngắn gọn, tức là 5 nội dung. Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; đoàn kết để xây dựng một nền văn hóa truyền thống; đoàn kết để bảo vệ môi trường lành mạnh; rồi đoàn kết cùng nhau chấp hành, hạn chế chấp nhất vi phạm pháp luật; đoàn kết giám sát phản biện, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Với 5 nội dung trên thì cốt lõi là chúng tôi lấy hộ gia đình làm nòng cốt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa, hàng năm chúng tôi hỗ trợ xây dựng trên 100 căn nhà đại đoàn kết cho những người nghèo, để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Về trách nhiệm thì cán bộ Mặt trận chúng tôi có kế hoạch cụ thể, trước hết là kênh phối hợp. Bởi Mặt trận là một tổ chức liên minh tự nguyện, ngoài Mặt trận ra thì chúng tôi có kế hoạch phối hợp với chính quyền, phối hợp với các tổ chức chính trị để mà cùng nhau tập trung các nguồn lực; thứ hai là chúng tôi có kế hoạch phân công từng cán bộ phụ trách từng địa bàn, từng khu dân cư mà trọng điểm là những nơi có hộ nghèo, hộ cận nghèo đông, đó là đồng bào dân tộc thiểu số. Xuống phải sát dân, nghe dân, lắng nghe cái nhu cầu của người dân cần cái gì. Thì trên tinh thần đó, chúng tôi tập hợp lại và để chúng tôi liên kết với các sở, ngành có liên quan, để tạo điều kiện nguồn lực giúp cho dân. Trên cơ sở đó thì dân mới có điều kiện để phát triển được.

Phóng viên: Vâng, xin cám ơn ông!

              Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *