(kontumtv.vn) – Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về xuất khẩu hàng nông sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng qua từng năm. Trong đó, rau quả là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Nhiều thị trường lớn đã chấp nhận sản phẩm rau quả Việt Nam. Mặc dù vậy, để tăng cường thúc đẩy xuất khẩu nông sản an toàn và bền vững, ngành Nông nghiệp cũng xác định cần tăng cường các biện pháp quản lí sử dụng vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV; kiểm soát chất lượng sản phẩm. Bởi, lạm dụng vật tư nông nghiệp, hàm lượng thuốc BVTV vượt quá quy định là vấn đề thường xuyên xảy ra tại các địa phương.

Tháng 6 tới đây, Trung Quốc – thị trường chính của sầu riêng Việt Nam sẽ chính thức mở cửa nhập khẩu loại nông sản này. Đây thật sự là tin vui đối với nông dân. Bởi sau nhiều năm phải xuất đi theo đường tiểu ngạch, sầu riêng đã có thể tiêu thụ theo đường chính ngạch, hiệu quả kinh tế dự báo tăng lên. Điều thuận lợi là sầu riêng Khánh Hòa có sản lượng đạt trên 3.000 tấn/năm, đủ đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng lớn. Quan trọng, một diện tích lớn sầu riêng tại Khánh Sơn đã có chứng nhận VietGap, truy xuất được nguồn gốc. Nghĩa là hàm lượng thuốc BVTV đáp ứng quy định của thị trường xuất khẩu. Ông Đậu Dương Trần Nguyễn, Chủ tịch HĐQT HTX Cây ăn quả Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa nói: “Mục tiêu hướng tới là sản phẩm hàng sạch VietGap để có đầu ra. Định hướng được mình có con tem, có đủ nguồn nhân lực thì mình xuất đi nước ngoài được. Không đủ nhân lực thì mình kết hợp với một công ty nào đó, sử dụng con tem của mình để xuất đi nước ngoài”.

Tham quan vườn cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap
Tham quan vườn cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam những năm qua đạt được nhiều kết quả nổi bật. Việt Nam hiện đứng thứ 15 thế giới về giá trị xuất khẩu nông sản. Mặc dù vậy, nông sản xuất khẩu vẫn gặp nhiều rào cản, vướng mắc, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực không đạt tiêu chuẩn quy định về hàm lượng tồn dư thuốc BVTV tại một số nước. Trong khi đó, vấn đề kiểm soát quá trình sử dụng vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV trong sản xuất tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều loại nông sản, dù là chủ lực, nhưng vẫn có nguy cơ đánh mất thương hiệu vì nông dân chạy theo lợi nhuận, không tuân thủ quy trình sản xuất. Để giải bài toán chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, trước hết phải có sự vào cuộc từ các ngành chức năng, địa phương. Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết: “Hiện chi cục BVTV các địa phương đang tái khởi động chương trình và xây dựng quy trình thực hiện IPM trình UBND tỉnh. Đây là xương sống của ngành BVTV. Chúng tôi cũng tổ chức tập huấn trên đồng ruộng, trực tiếp để bà con hiểu về chương trình IPM để giảm thiểu thuốc BVTV, phân bón, tăng được năng xuất. Chúng tôi cũng đang áp dụng quy trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 không, mục tiêu là giảm vật tư đầu vào, tăng năng suất và bảo vệ môi trường”.

Bên cạnh giải pháp đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, ngành Nông nghiệp cũng tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật; đặc biệt là công nghệ chế biến, bảo quản nông sản. Bởi chế biến, bảo quản tốt thì giá trị nông sản mới có thể tăng lên, tiếp cận các thị trường khó tính. Ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Khánh Hòa nói: “Trái cây Khánh Hòa nói chung chủ yếu tiêu thụ do thương lái và tiêu thụ tại vườn. Do đó hiệu quả kinh tế không cao, chỉ dừng ở việc tiêu thụ nguyên liệu. Việc bảo quản, chế biến nông sản với nhiều hình thức là vấn đề quan trọng. UBND tỉnh cũng đã ban hành trước đây là chính sách phát triển dịch vụ nông thôn, trong đó có hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, mô hình tiết kiệm nước, xây dựng nhà sơ chế, đường giao thông và nhiều chính sách hỗ trợ khác. Chúng tôi cũng đang phối hợp cùng các địa phương để triển khai”.

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt trên 40 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017. Trong đó, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản là các mặt hàng chủ lực với kim ngạch trên 3 tỷ USD. Riêng tỉnh Khánh Hòa, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành Nông nghiệp năm qua cũng đạt 550 triệu USD, tăng 3% so với năm trước. Trong đó, một số loại nông sản chủ lực như sầu riêng, xoài, măng cụt, rong nho đã có thể xuất sang Trung Quốc, Hoa Kỳ,… trong thời gian tới. Những kết quả khả quan có được cũng là điều kiện để ngành Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa tiếp tục khắc phục hạn chế trong sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Từ đó đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

     Hoàng Quân – Nguyễn Nam – Thành Huế

Đài PT-TH Khánh Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *