(kontumtv.vn) – Lao là căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong chẩn đoán, phát hiện ca bệnh mới. Tại tỉnh Kon Tum, công tác phòng, chống bệnh lao thời gian qua được ngành Y tế tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả nổi bật. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
PV: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết thực trạng về bệnh lao ở tỉnh Kon Tum hiện nay?
Bs CKI Nguyễn Thị Vân: Từ năm 2015 – 2019, toàn tỉnh phát hiện và điều trị cho 1.690 bệnh nhân lao. Tỷ lệ điều trị thành công của Kon Tum luôn đạt mức cao, 95 – 98% so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 90% và đã điều trị thành công cho 3 bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Riêng số bệnh nhân lao lũy tích tính từ đầu năm 2019 đến 29/2/2020, trên địa bàn tỉnh phát hiện 397 bệnh nhân lao các thể. Đa số bệnh nhân lao là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông cũng như chưa có ý thức chống lây lan bệnh cho người xung quanh.
PV: Thưa bác sĩ, được biết bên cạnh những bệnh nhân lao đã và đang được điều trị thì vẫn còn đó những bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị trong cộng đồng, điều này có đáng lo ngại không, thưa bác sĩ?
Bs CKI Nguyễn Thị Vân: Bên cạnh những bệnh nhân lao đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế thì cũng có một số bệnh nhân lao mình chưa phát hiện được và điều trị trong cộng đồng thì điều này cũng rất là lo ngại. Bệnh nhân lao không được điều trị, phát hiện sớm và được điều trị kịp thời thì rất nguy hiểm và nó lây lan nhanh ra cộng đồng bởi vì từ khi mình phát hiện bệnh đến khi tử vong thì đã lây cho rất nhiều người.
PV: Hạn chế việc lây nhiễm lao trong cộng đồng, ngành Y tế tỉnh đã triển khai những giải pháp quyết liệt nào?
Bs CKI Nguyễn Thị Vân: Ngành Y tế luôn chủ động đảm bảo cung ứng các dịch vụ có chất lượng về chẩn đoán và điều trị bệnh lao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng sử dụng các dịch vụ khám chẩn đoán bệnh lao tại các cơ sở y tế, thực hiện nghiêm túc nguyên tác về điều trị, đảm bảo bệnh nhân lao tuần thủ điều trị đầy đủ, đúng phác đồ. Thứ hai là ưu tiên đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc ví dụ như máy xét nghiệm đờm soi trực tiếp, chụp Xquang, đặc biệt là xét nghiệm sinh học phân tử hiện đại để xét nghiệm để phát hiện những bệnh nhân lao kháng thuốc.
PV: Nhân đây, lời khuyên của bác sĩ dành cho mọi người trong việc nâng cao sức khỏe, hạn chế bệnh lao, nhất là trong mùa dịch Covid-19?
Bs CKI Nguyễn Thị Vân: Đối với những bệnh nhân lao, việc nâng cao sức khỏe rất là quan trọng, đặc biệt trong mùa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới Corona, Covid-19 thì với bệnh nhân lao phải giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát và thường xuyên tập thể dục đều đặn và ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya, không hút thuốc lá, không uống rượu, bia và khi ho nhớ che miệng và đeo khẩu trang ra ngoài đường. Người nhà hoặc người có tiếp xúc với bệnh nhân lao nên đi khám định kỳ từ 3 – 6 tháng/lần để phát hiện, điều trị sớm bệnh lao.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay!
Thu Trang – Đức Thắng