(kontumtv.vn) – Nhờ sự quan tâm đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự đồng thuận của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhiều nghề truyền thống của đồng bào sinh sống lâu đời tại địa bàn tỉnh Kon Tum được khôi phục, gìn giữ và phát huy.

Triển khai đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt đã giúp nhiều nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh được bảo tồn và phát huy. Tiêu biểu như nghề làm nhạc cụ của dân tộc Brâu, nghề đan lát của dân tộc Gia Rai, nghề đẽo thuyền độc mộc, nghề làm đồ gốm và làm rượu ghè của dân tộc Ba Na, nghề tạc tượng và làm nỏ truyền thống của đồng bào Xơ Đăng. Bà Trần thị Diệu Hằng, Trưởng Phòng Tuyên truyền và Địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh cho biết, Ban Dân tộc tỉnh đã mở nhiều lớp truyền dạy nghề trong cộng đồng dân cư, qua đó tạo sức lan tỏa gìn giữ, phát huy ngành nghề truyền thống trong các làng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh: “Chúng tôi nhận thấy bà con vẫn có ý thức bảo tồn nghề của mình. Khi mở lớp được sự dìu dắt hướng dẫn của nghệ nhân, chúng tôi thấy các tầng lớp kể cả người già, thanh niên rất hào hứng, hăng say, rất thích học nghề”.

Truyền dạy nghề dệt thổ cẩm
Truyền dạy nghề dệt thổ cẩm

Từ chỗ thất truyền, đến nay, nhiều phụ nữ dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy đã tự dệt thổ cẩm và may cho mình cùng người thân trong gia đình những trang phục truyền thống. Có được sự hồi sinh về nghề dệt trong cộng đồng Rơ Măm, một trong 10 dân tộc thiểu số rất ít người của Việt Nam là nhờ sự tiếp sức của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum thông qua việc mở các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Phấn khởi khi bản thân có thể tự dệt thổ cẩm với hoa văn của dân tộc Rơ Măm, chị Y Dít ở làng Le, xã Mô Rai, nói: “Hồi trước muốn học không ai dạy cho, giờ có Ban Dân tộc tỉnh dạy cho mình mừng lắm, mình học”.

Tiếp tục quan tâm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum đã thông qua Kế hoạch “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020 – 2030”.  Đề án được triển khai góp phần  tạo thuận lợi cho nghề dệt truyền thống phát triển.

Ông Phan Văn Hoàng, phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết, sở sẽ tập trung tuyên truyền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số của tỉnh bảo tồn trang phục truyền thống, đồng thời sở tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống: “Ngành tập trung thực hiện phối hợp kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Lập hồ sơ về nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và hồ sơ nghệ nhân tiêu biểu liên quan đến trang phục truyền thống đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về trang phục truyền thống. Thứ ba, định kỳ tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa có trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với các lễ hội văn hóa hoặc các sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước”.

Sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị  ngành nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên địa bàn, mà còn giúp các nghệ nhân, nhiều gia đình nắm giữ nghề truyền thống nâng cao thu nhập từ nghề truyền thống.

Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *