(kontumtv.vn) – Cùng với tranh thủ tốt nguồn đầu tư của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã  có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Kon Tum có nhiều chuyển biến tích cực.

Tính đến nay, tại 8 thôn của xã đặc biệt khó khăn Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi đều có điểm trường mầm non và tại các thôn xa đều có điểm trường tiểu học. Ở khu vực trung tâm xã, hai trường tiểu học và trung học cơ sở được xây dựng khang trang. Bước vào năm học 2017-2018, tất cả các trường ở xã Đăk Ang đều tổ chức bán trú và dạy hai buổi trên ngày. Qua đó, tạo thuận lợi cho học sinh trong học tập, nhất là với các em nhà ở xa trường. Em Y Huệ (lớp 9 A, Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền, xã Đăk Ang nói: “Lúc trước chưa có nhà bán trú, điều kiện đi học của cháu rất khó khăn. Hiện nay cháu được ở nhà bán trú điều kiện đi học của cháu thuận lợi hơn. Cháu được ở, được ăn, được thầy cô chăm sóc tận tình, học tập của cháu cũng được tiến bộ”.

Các trường vùng sâu vùng xa được xây dựng khang trang
Các trường vùng sâu vùng xa được xây dựng khang trang

Với đội ngũ thầy cô giáo đang công tác tại xã đặc biệt khó khăn Đăk Ang, khi trường lớp được xây dựng khang trang, trang thiết bị dạy và học được đầu tư đảm bảo, là nguồn động lực lớn để các thầy cô an tâm công tác.Thầy giáo Phan Minh, giáo viên Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền, xã Đăk Ang chia sẻ: “Về trang thiết bị dạy học, những năm gần đây nhà trường được các cấp quan tâm đầu tư thiết bị dạy học như máy chiếu, hoặc các đồ dùng dạy học giúp các thầy cô ứng dựng công nghệ thông tin vào dạy học. Từ đó khai thác nội dung kiến thức, giúp cho tạo sự hứng thú học tập cho học sinh, chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt trong thời gian gần đây”.

Cùng với xã đặc biệt khó khăn Đăk Ang của huyện biên giới Ngọc Hồi, hệ thống trường lớp từ mầm non đến trung học cơ sở  tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã được đầu tư xây dựng đảm bảo cho công tác dạy và học. Toàn tỉnh hiện có trên 420 trường học được xây dựng kiên cố, đảm bảo cho việc dạy và học hai buổi trên ngày. Trong đó, có 34 trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở, 21 trường phổ thông dân tộc bán trú  tiểu học và 9 trường phổ thông dân tộc nội trú. Có được kết quả này là sự nỗ lực đặc biệt của tỉnh trong việc tranh thủ các nguồn đầu tư của Trung ương và phát huy nội lực của địa phương. Tính riêng giai đoạn 2016-2020, Kon Tum đã phê duyệt đầu tư trung hạn cho ngành Giáo dục với tổng vốn lên đến 505 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết: “Việc đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của đồng bào trên toàn tỉnh. Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng đó, trong thời gian vừa qua, Trung ương cũng như lãnh đạo địa phương rất quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho việc dạy và học các em dân tộc thiểu số”.

Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh còn triển khai có hiệu quả Đề án tiếp tục nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020. Qua đó, các hoạt động như huy động hệ thống chính trị vào cuộc để vận động học sinh ra lớp, đến trường chuyên cần, tăng cường dạy tiếng Việt và tổ chức dạy hai buổi trên ngày đã được triển khai. Nhờ vậy, chất lượng học tập của học sinh người dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện. Cụ thể, năm học 2016-2017 tỉ lệ học sinh khá giỏi người DTTS bậc trung học cơ sở đạt trên 26%, tăng 2% so với năm học 2015-2016. Số học sinh khá giỏi bậc trung học phổ thông tăng hơn 5% so với năm học 2015-2016. Tỉ lệ học sinh lớp 12 DTTS đậu tốt nghiệp đạt gần 92%, tăng trên 1,5% so với năm 2016. Đáng phấn khởi là trên 50% học sinh người dân tộc thiểu số tốt nghiệp lớp 12 đủ điểm chuẩn xét tuyển vào cao đẳng, đại học. Ông Nguyễn Hóa cho biết: “ Chất lượng giáo dục học sinh DTTS có chuyển biến rất rõ nét. Thể hiện đánh giá xếp loại về hạnh kiểm, học lực của các em có sự thay đổi lớn. Tỉ lệ trung bình trở lên, nhất là khá, giỏi, tốt chiếm tỉ lệ cao. Đặc biệt tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông của các em so với khi đề án này chưa ban hành là rất rõ nét”.

Mặc dù vẫn còn nhiều thôn làng đặc biệt khó khăn, toàn tỉnh có hơn 26% số hộ thuộc diện nghèo, thế nhưng kết quả về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là kết quả giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum không hề thua kém các tỉnh bạn trong khu vực và trong cả nước. Có được kết quả này chính nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương đã có sự quan tam, đầu tư đúng đắn, hiệu quả cho sự nghiệp giáo dục.

                                                          Văn Hiển – Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *