(kontumtv.vn) – Lao là căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong chẩn đoán, phát hiện ca bệnh mới. Tại tỉnh Kon Tum, công tác phòng, chống bệnh lao thời gian qua được ngành Y tế tích cực triển khai và đạt nhiều  kết quả đáng khích lệ. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Chuyên khoa I Phùng mạnh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum.

PV: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết thực trạng về bệnh lao ở tỉnh Kon Tum hiện nay?

Bs CKI Phùng mạnh Dũng: Qua số liệu báo cáo hàng năm cho thấy số bệnh nhân lao thu nhận hàng năm tương đối ổn định, không có sự tăng hay giảm đáng kể. Chứng tỏ bệnh lao đang được kiểm soát tốt bởi mạng lưới phòng chống lao, thể hiện qua một số kết quả sau. Từ năm 2014 – 2018, toàn tỉnh phát hiện và điều trị cho 1.675 bệnh nhân lao. Trong đó, bệnh nhân lao năm 2014 là 326 bệnh nhân, năm 2015 là 355 bệnh nhân, năm 2016 là 356 bệnh nhân, năm 2017 là 313 bệnh nhân, năm 2018 là 325. Tỷ lệ điều trị thành công của tỉnh luôn đạt mức cao, từ 95 – 98% so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 90%. Tỉnh ta cũng đã điều trị thành công cho 1 bệnh nhân lao kháng thuốc.

BS Phùng Mạnh Dũng trả lời phỏng vấn của PV
BS Phùng Mạnh Dũng trả lời phỏng vấn của PV

PV: Vâng! Nhân đây bác sĩ có thể cho biết, hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân lao của tỉnh Kon Tum so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên có cao hơn không?

Bs CKI Phùng mạnh Dũng: Qua số liệu báo cáo cho thấy tỷ suất phát hiện bệnh nhân lao hàng năm có cao hơn so với các tỉnh trong khu vực. Cụ thể năm 2018, Kon Tum phát hiện bệnh nhân lao 325 người, chiếm tỷ lệ 60/100 ngàn dân, trong khi đó các tỉnh trong khu vực như Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông chỉ đạt từ 35 – 50 người/100 ngàn dân. Điều này cũng có thể do chúng ta đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát đối với hoạt động phòng, chống lao; duy trì và phát triển mạng lưới phòng chống lao hoạt động hiệu quả; công tác tuyên truyền, vận động người nghi lao đi khám; vai trò quản lý người nghi mắc lao tại tuyến xã được thực hiện tốt nên tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao mắc địa bàn cao.

PV: Thưa bác sĩ, được biết bên cạnh những bệnh nhân lao đã và đang được điều trị thì vẫn còn đó những bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị trong cộng đồng, điều này có đáng lo ngại không thưa bác sĩ?

Bs CKI Phùng mạnh Dũng: Bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị thực sự là mối đe dọa đối với cộng đồng bởi cứ 1 bệnh nhân lao không được điều trị trong một năm có thể làm 10 – 15 người bị nhiễm lao và 2 – 3 người trong số đó sẽ trở thành bệnh nhân lao thực sự.

PV: Hạn chế việc lây nhiễm lao trong cộng đồng, ngành Y tế tỉnh đã triển khai những giải pháp quyết liệt nào?

Bs CKI Phùng mạnh Dũng: Để hạn chế việc lây nhiễm lao trong cộng đồng thì biên pháp tốt nhất hiện nay là phát hiện sớm, điều trị hiệu quả cho tất cả bệnh nhân lao phổi. Xác định rõ điều này ngành Y tế tỉnh tập trung triển khai các giải pháp tích cực, cụ thể thứ nhất là đảm bảo cung cấp các dịch vụ có chất lượng về chẩn đoán, điều trị bệnh lao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng sử dụng dịch vụ khám chẩn đoán bệnh lao tại cơ sở y tế, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc về điều trị, đảm bảo bệnh nhân lao tuân thủ quy trình điều trị và đúng phác đồ.  Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách lao tuyến huyện, xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến cơ sở để nâng cao năng lực về chẩn đoán, điều trị bệnh nhân lao ở cộng đồng. Và cái cuối cùng là tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa.

PV: Xin cảm ơn ông vì đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *