(kontumtv.vn) – Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) có khá nhiều lao động được cho là rời địa phương để đi làm việc ở nước ngoài, nhưng chính quyền địa phương không nắm được thông tin cụ thể vì người dân không đến xã làm các thủ tục pháp lý theo quy định.

Hơn một tháng nay vợ anh A Thiểu (thôn Kon Pờ Rông, Đăk Tờ Kan, Tu Mơ Rông) không có ở nhà, anh chỉ biết loáng thoáng là vợ đi xuất khẩu lao động, nhưng anh không biết đi đâu, làm việc gì. Anh cho biết, cách đây 2 tháng có hai vợ chồng tên là A Trung, Y Duân ở thành phố Kon Tum đến nhà cho vợ anh 1 triệu đồng và bảo đăng ký với Công ty Colecto để đi nước ngoài làm việc sẽ có nhiều tiền, vợ anh đã nghe theo và quyết tâm đi, mặc dù anh không đồng ý.

Gặp gia đình người xuất khẩu lao động
Gặp gia đình người xuất khẩu lao động qua Công ty Colecto

Cũng như vợ anh A Thiểu, khi nghe vợ  chồng A Trung, Y Duân nói đi xuất khẩu lao động sẽ có nhiều tiền nên vợ anh A Hret (thôn Kon Pờ Rông, Đăk Tờ Kan, Tu Mơ Rông) đã đồng ý đi. Gần một tháng ở Thanh Hóa để học tiếng nước ngoài, vợ anh đã muốn quay về nhưng vì không có 13 triệu đồng để bồi thường cho Công ty Colecto nên vợ anh phải ở lại.

Ông A Nhịp là thôn trưởng thôn Kon Pờ Rông cho biết, mấy tháng gần đây có người xưng là người của Công ty Colecto đến thôn vận động bà con đi xuất khẩu lao động một cách lén lút, đến khi người dân đi khỏi nơi cư trú chính quyền địa phương mới biết. Ông A Nhịp nói: “Những công ty trước họ đến thôn họ có tổ chức họp thôn rồi báo để tổ chức họp dân rồi để họ tuyên truyền cho bà con, còn công ty này lúc họ đi không có báo gì hết, khi họ đi bên xã mới phát hiện”.

Trao đổi qua điện thoại, ông Hoàng Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan khẳng định, UBND xã chưa xác nhận bất cứ trường hợp nào đi lao động qua tuyển dụng của Công ty Colecto, và địa phương cũng chưa biết rõ thông tin về người đã đến tuyển dụng lao động tại địa phương. Thế nhưng có khá nhiều người dân cho biết người nhà của họ đã đi xuất khẩu lao động thông qua Công ty Colecto. Ông A Hòa, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Tất cả các công ty hoạt động chui thì Phòng cũng đã có nhiều văn bản tham mưu cho UBND huyện không cho người dân, người lao động đó ra khỏi địa địa bàn, chỉ cho phép khi có văn bản của Sở LĐ-TB&XH mới cho hoạt động. Công ty Colecto thì chưa có văn bản”.

Ông A Hòa cũng khẳng định, dù không có giấy phép hoạt động tuyển dụng lao động tại huyện Tu Mơ Rông, song Công ty Colecto đã và đang thực hiện tuyển dụng ở nhiều xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Và địa phương chỉ mới thực hiện một giải pháp duy nhất để ngăn chặn tình trạng này đó là tuyên truyền, vận động người dân không tham gia tuyển dụng lao động qua công ty Colecto.

Trước thực trạng này, thiết nghĩ các ngành chức năng cũng như các cấp chính quyền cần tăng cường quản lý công tác xuất khẩu lao động hơn nữa. Vì xuất khẩu lao động đã và đang được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ, để các tổ chức, cá nhân lạm dụng công tác xuất khẩu lao động, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, ít hiểu biết của người dân thực hiện ký kết các thủ tục liên quan để ràng buộc người dân một cách không hợp lý thì chắc chắn quá trình thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập của người dân bằng công tác xuất khẩu lao động sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nhận thức về xuất khẩu lao động của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế.

  Thanh Tùng – Công Luận

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *