(kontumtv.vn) – Nhằm đánh giá toàn diện về giá trị, ý nghĩa lịch sử của Di tích Nhà ngục Kon Tum, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị tiêu biểu của di tích trong thời gian tới, sáng 7/9, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Giá trị, ý nghĩa lịch sử và công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Nhà ngục Kon Tum”.

TOA DAM GIA TRI, Y NGHIA LICH SU VA CONG TAC BAO TON, PHAT HUY GIA TRI DI TICH NHA NGUC KON TUM

Tham dự Tọa đàm có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa Việt Nam; các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về lịch sử Việt Nam; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum qua các thời kỳ và các nhân chứng lịch sử. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga và Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Việt Nam Trần Đình Thành cùng điều hành chương trình tọa đàm.

Nhà ngục Kon Tum là một hệ thống di tích nhà tù và sự kiện thiên ký sự về sự tàn bạo của chính quyền thực dân Pháp lúc bấy giờ đối với tù chính trị lao động khổ sai trên cung đường 14 (đoạn Đăk Sút, Đăk Tao, Đăk Pao, Đăk Pét). Di tích Nhà ngục Kon Tum được xem là nơi đày ải, giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên và đây cũng là nơi giam giữ những người tù chính trị được xem là nguy hiểm nhất, với số lượng tù nhiều nhất và trong thời gian ngắn nhất (1930-1933) ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Nhà ngục Kon Tum đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nơi đã ra đời cơ sở Đảng đầu tiên của Kon Tum – Tây Nguyên vào tháng 9/1930, được gọi là “Chi bộ Binh”. Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản tại Kon Tum có ảnh hưởng to lớn đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung lúc bấy giờ và mãi về sau này.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã  tập trung thảo luận, phân tích và đề xuất các nhận định toàn diện về ý nghĩa của các sự kiện lịch sử diễn ra tại Nhà ngục Kon Tum. Đặc biệt, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử đều khẳng định Nhà ngục Kon Tum có vị trí đặc biệt trong hệ thống nhà tù của Pháp ở Đông Dương. PGS. TS. NGUT Phạm Xanh, Giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH, Đại học Quốc gia Việt Nam nhận định: Với sự hy vọng của bọn Thực dân thì nó dùng Nhà ngục Kon Tum với hy vọng khổ sai, với khí hậu khắc nghiệt của vùng này nó giết dần, giết mòn thể xác và ý chí chiến đấu, bản lĩnh chính trị của những người cộng sản Việt Nam, nhưng vượt lên tất cả những thứ đó người cộng sản Việt nam vẫn tồn tại, khẳng định tính chiến đấu và ước vọng của chúng ta là độc lập, tự do. So sánh với Nhà ngục Sơn La, được xếp di tích đặc biệt cấp quốc gia thì Nhà ngục Kon Tum tôi cho rằng quần thể này có vị trí đặc biệt trong hệ thống nhà tù mà Pháp xây dựng ở Việt Nam.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc nói: “Một nhà tù mà có thể nói là nhà tù sớm nhất trong lịch sử các nhà tù ở Việt Nam của Thực Pháp ở Việt Nam có chi bộ Cộng sản mà đặc biệt Chi bộ Cộng sản đây gắn với đội ngũ các binh lính của chế độ Thực dân để giác ngộ họ thành những hạt nhân cùng với  những chiến sỹ cộng sản làm nên một cuộc đấu tranh mà đương nhiên cộng với chế độ hà khắc của nhà tù dẫn đến rất nhiều người tù đã chết. Cuối cùng Thực dân Pháp phải lựa chọn là gần như giải thể nhà tù cấp xứ đi để xóa đi các dấu vết. Tất cả các yếu tố mà tôi vừa nói gắn kết trên lãnh thổ Tây Nguyên, gắn với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, gắn với các cuộc đấu tranh của Chi bộ Cộng sản ở đây nó rất xứng đáng là một điểm nhấn không chỉ ở địa phương mình, không chỉ ở tỉnh Kon Tum mà trên thực tế Nhà nước đã công nhận là di tích cấp quốc gia rồi“.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã đề xuất các giải pháp trong việc  bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, làm cơ sở cho quá trình triển khai các chính sách cụ thể trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Di tích lịch sử Nhà ngục Kon Tum; đảm bảo các điều kiện để được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng mong muốn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử tiếp tục nghiên cứu, cung cấp các luận cứ, tư liệu để đánh giá đúng vai trò, vị trí, giá trị lịch sử của Nhà ngục Kon Tum. Đồng thời khẳng định tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động  trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử cả Nhà ngục Kon Tum trong thời gian tới.

Trên cơ sở những tham luận khoa học tâm huyết và các ý kiến trao đổi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu đầy đủ, kịp thời biên tập thành tư liệu khoa học phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đối với Di tích lịch sử Nhà ngục Kon Tum; tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp đồng bộ, khả thi và hiệu quả trong công tác trùng tu, tôn tạo phát huy các giá trị của Di tích lịch sử Nhà ngục Kon Tum trong thời gian đến; bổ sung, kiện toàn hồ sơ khoa học, tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử Nhà ngục Kon Tum là Di tích Quốc gia đặc biệt. Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum trong công tác trùng tu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích lịch sử trong thời gian đến; hỗ trợ trong việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu làm cơ sở kiện toàn hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử Nhà ngục Kon Tum là di tích Quốc gia đặc biệt.

Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *