Chiều ngày (15/11), tại Hà Nội, Tổng Bí  thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì phiên họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN

Tham dự có các đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; Báo cáo đề xuất bổ sung một số vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Báo cáo tiến độ thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý 8 vụ án, 2 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Sau khi nghe các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu ý kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận: Việc tổ chức 7 đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo là chủ trương đúng đắn, kịp thời, có tác dụng tốt; các cấp uỷ, tổ chức đảng được kiểm tra, giám sát nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình, 70 cơ quan, đơn vị chức năng được kiểm tra, giám sát thấy được ưu điểm, hạn chế, ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong công tác thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng. Những kết quả này đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Trung ương 3 khoá X và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng.

Tổng Bí thư nêu rõ, 7 đoàn công tác đã kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý, đưa ra xét xử một số vụ án trọng điểm.

Các Đoàn kiểm tra cũng kiến nghị đưa thêm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo một số vụ việc, vụ án, đồng thời đưa vào diện Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc một số vụ việc, vụ án. Kiến nghị các Ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án…

Về việc thực hiện kết luận tại phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với 8 vụ án, 2 vụ việc, Tổng Bí thư yêu cầu Ban Nội chính Trung ương tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử. Các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác của mình, tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra vụ việc, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã cho ý kiến giải quyết một số công việc khác theo chương trình và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, giao Ban Nội chính Trung ương chuẩn bị thật tốt các báo cáo phục vụ cho phiên họp tới của Ban Chỉ đạo vào tháng 12/2013.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cũng chỉ rõ một số hạn chế như: Số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua hoạt động của cơ quan thanh tra còn thấp; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án tham nhũng kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần; việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự trong một số vụ án với căn cứ chưa thật thuyết phục; còn tình trạng một số vụ án thay đổi từ các tội danh tham nhũng sang các tội danh khác nhẹ hơn; việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm như chuyển xử lý hành chính, kỷ luật, cho hưởng án treo, áp dụng mức án không tương xứng.

Ban Chỉ đạo cho rằng: Những hạn chế trên đã gây nghi ngờ và dư luận không tốt về chất lượng thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng. Do đó, Ban Chỉ đạo kiến nghị đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo một số vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp để theo dõi, đôn đốc trong thời gian tới.

Theo : Lê Sơn/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *