(kontumtv.vn) – Trung tâm Phát triển nông thôn Tây Nguyên và Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp với UBND huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đã tổ chức Lễ Tổng kết dự án ghi âm, ghi hình và truyền dạy công chiêng tại huyện Kon Rẫy.

Dự lễ tổng kết có bà Linh Nga Niê Kdăm, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn Tây Nguyên, bà Phạm Minh Hồng, Quản lý Dự án Hội Đồng Anh tại Việt Nam – Tây Nguyên; lãnh đạo huyện Kon Rẫy; các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng của huyện Kon Rẫy.

LE TONG KET DU AN GHI AM, GHI HINH VA TRUYEN DAY CONG CHIENG TAI KON RAY

Dự án thực hiện từ đầu tháng 11/2018 đến tháng 12/2019 với các nội dung ghi âm và ghi hình các bài bản cồng chiêng còn lưu giữ của người dân tộc Bahnar; truyền dạy cồng chiêng cho 90 các em học sinh ở lứa tuổi 10 đến 14 tuổi của 1 số thôn của 3 xã Tân Lập, Đăk Tờ Re, Đăk Ruồng, mỗi xã 1 lớp và 3 lớp ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Kon Rẫy; thực hiện cuốn sách mỹ thuật “ Văn hóa cồng chiêng người dân tộc BahNar” ở Kon Tum.

 Trước khi thực hiện, Dự án đã tiến hành khảo sát hiện trường, tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng người dân tộc Bahnar nhóm Jơ Lơng ở Kon Rẫy, nhằm khôi phục và tiếp nối gìn giữ, bảo tồn Không gian văn hóa công chiêng – Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong chính cộng đồng.

 Kết quả, đã thực hiện được 6 lớp gồm 90 học viên, các em học sinh đã đánh thuần thục các bài cồng chiêng như Nhủ choi ( Xuống giống); Xa ba nao (Ăn lúa mới) và Kơ Jing ( Ăn trầu mừng nhà rông mới); in 1.000 cuốn sách màu (3 thứ tiếng Bahnar, tiếng Việt và tiếng Anh). Từ cuốn sách này, dự án còn in thêm 500 cuốn sách phát hành gửi tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Bình Định, Đăk Lắk để tặng cho các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar.

Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND huyện Kon Rẫy đã bày tỏ cảm ơn sâu sắc Trung tâm Phát triển nông thôn Tây Nguyên phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam thực hiện dự án ghi âm, ghi hình và truyền dạy công chiêng tại huyện Kon Rẫy. Đây là hoạt dộng có ý nghĩa thiết thực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Bahnar nói riêng ở Kon Rẫy. UBND huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung này để không gian văn hóa cồng chiêng ngày càng phát triển và thu hút sự quan tâm của mọi người về nét đẹp truyền thống của người dân tộc Bahnar Tây Nguyên.

CTV Lâm Hiền – Hữu Huy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *