(kontumtv.vn) – Hiện nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum đã xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô với mật độ cao tại xã Ia Chim. Hiện cơ quan chức năng của thành phố đang tập trung hướng dẫn người dân diệt trừ sâu keo mùa thu gây hại, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Vụ mùa năm nay ông A Bưu (làng Plei Sar, xã Ia Chim) trồng xen canh gần 1ha ngô. Cây ngô đang trong giai phát triển tốt thì xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại. Toàn bộ diện tích ngô của ông bị sâu keo mùa thu gây hại, đọt cây, thân, lá bị sâu cắn phá. Xót của, tiếc công sức chăm bón ông đã tự mua thuốc từ đại lí về phun, nhưng sau hai lần phun buổi sáng và buổi tối loài sâu này vẫn không chết. Ông A Bưu nói: “Đợt đầu tôi phun nhưng không chết. Đợt hai mới hôm qua, người ta nói phun đêm, nó lên ăn sẽ chết, nhưng hôm qua tôi phun từng cây một, kiểu mình dí vào, gặp cây nào mình dí cây đó luôn, sáng đi kiểm tra cũng không chết. Đề nghị các cấp có thẩm quyền tư vấn cho bà con để bà con thực hiện để làm sao diệt triệt để loại sâu này”.

THANH PHO KON TUM KHAN TRUONG 1

Không riêng gì diện tích ngô của ông A Bưu bị hại, hiện xã Ia Chim có đến 120 ha ngô trồng xen canh cây công nghiệp tại làng Plei Sar đều bị sâu keo mùa thu gây hạị với tốc độ rất nhanh. Trước tình hình này, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Kon Tum đã phối hợp với UBND xã Ia Chim tiến hành kiểm tra diện tích ngô bị sâu gây hại và xác định đây là sâu keo mùa thu, lần đầu tiên được phát hiện trên địa bàn, hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ theo kỹ thuật chuyên môn. Ông Nguyễn Nghiêm , Phó giám đốc Trung tâm DVNLN thành phố Kon Tum cho biết: “Phòng trừ bằng các biện pháp thủ công bà con pha bẫy bả chua ngọt tức là dấm và nước đường rồi mang ra cho vào các dụng cụ như chậu để bắt bướm, khi bướm bay vào sẽ bị chết trong chậu đó; cách thứ 2 là dùng điện, các đèn sáng để thu hút bướm vào để bắt. Cách tiếp theo là biện pháp hóa học, tức là chúng ta phải dùng các loại thuốc đặc hiệu như chúng tôi đã gửi trong các thông báo để phòng trừ; khi phun phải phun trực tiếp trên đọt của cây ngô chứ không phun như kiểu phun sâu, rầy trên lúa là không hiệu quả”.

 “Sâu keo mùa thu phát tán trên diện rộng, nó ăn rất mạnh. Địa phương triển khai đồng loạt cho bà con trên diện tích ngô này một cách đồng loạt thì mới hết được, chứ có người làm người không làm thì không hết được, năng suất không cao”. Ông Đào Duy Phương, cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Ia Chim nói.

Sâu keo mùa thu (tên khoa học Spdoptera frugiperda) là loài sâu hại đa thực, mới xâm nhập và có khả năng di trú xa, gây hại trên 80 loài cây trồng và gây hại nặng trên nhóm cây ngô, lúa, mía, kê, các loại rau và cây bông. Sâu trưởng thành đẻ trứng vào ban đêm, đẻ thành ổ, xếp thành 2 lớp trứng là chủ yếu, mỗi ổ trứng từ 50 – 200 quả/ổ, được phủ lớp lông màu hồng, xám. Mỗi sâu trưởng thành đẻ 6 đến 10 ổ, tương đương từ 1000 – 2000 trứng, thời gian nở sau 2 – 10 ngày.

Trước sự lây lan nhanh của sâu keo mùa thu, tốc độ phá hoại gây thiệt hại về mùa màng cho bà con nông dân, ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền xã Ia Chim đã vào cuộc, kịp thời tổ chức họp dân cảnh báo về loại sâu hại này; đồng thời tổ chức kiểm tra mức độ thiệt hại tại cánh đồng làng Plei Sar với tinh thần khẩn trương, quyết liệt giúp bà con ổn định sản xuất.

CTV Vi Phong – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *