(kontumtv.vn) – Vụ đông xuân 2015-2016 , do hạn hán, thành phố Kon Tum có gần 480 ha lúa nước ở chân ruộng cao bị thiếu nước và nhiều diện tích bị mất trắng. Để khắc phục tình trạng này, thành phố đã tiến hành khảo sát, xây dựng phương án chuyển đổi vùng đất sản xuất lúa 1 vụ thiếu nước sang trồng sắn cao sản KM194.

Ông Đỗ Tư là một trong số 25 hộ trên địa bàn xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum được chọn triển khai thí điểm mô hình với diện tích 3 sào sắn cao sản, sau 3 tháng xuống giống, hiện nay cây sắn đang phát triển tốt, tỷ lệ cây sống trên 90%. Ông Tư nói: “Trước khi trồng mì, đất của tôi có hai sào bỏ hoang, một sào làm ruộng một vụ nhưng không đạt, nay triển khai giống mì mới tôi hưởng ứng và xin tham gia trồng 3 sào, trong đó tôi có 2 sào bỏ hoang, 1 sào lúa nước. Tôi thấy mì phát triển rất đạt, riêng nhận xét của tôi đã từng làm mì thấy kết quả thế này sẽ hứa hẹn một mùa bội thu”.

Chuyển đổi trồng sắn cao sản trên đất lúa thiếu nước
Chuyển đổi trồng sắn cao sản trên đất lúa thiếu nước

Mô hình được triển khai từ tháng 7/2016, trên diện tích 4,3 ha tại xã Đắk Cấm. Các hộ tham gia được thành phố hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sắn. Những chân ruộng cao có khả năng khô hạn rất lớn, sự hỗ trợ của Nhà nước đã giúp bà con chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, hứa hẹn nâng cao thu nhập cho gia đình. Bà Đặng Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Cấm nói: “Chủ trương này cũng tạo điều kiện cho bà con không bỏ đất hoang và cũng có thu nhập trong sản xuất, lao động của mình. Đó là tâm tư, nguyện vọng của bà con. Ngoài ra, bà con 1 số thôn khác cũng còn một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, mong muốn được sự quan tâm của thành phố tạo điều kiện để họ tiếp cận mô hình này để phát triển kinh tế”.

Hiện diện tích sắn được bà con bón phân đợt 1, làm cỏ lần 2 và đang trong giai đoạn ra củ. Đây là giống sắn có trữ lượng tinh bột cao, có khả năng kháng bệnh, chịu hạn tốt, nếu được chăm sóc theo đúng kỹ thuật, năng suất sẽ cao hơn hẳn so với các loại giống sắn đã trồng trước đây. Ông Huỳnh Đăng Nguyễn, Phó trưởng Trạm Khuyến nông và Dịch vụ nông lâm nghiệp thành phố Kon Tum cho biết: “ trong thời gian tới, Trạm sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã Đăk Cấm hướng dẫn nhân dân làm cỏ đợt 2, phun thuốc cỏ, sau đó bón phân đợt 2. Trạm sẽ vận động bà con giữ lại hom giống để tiếp tục nhân rộng thêm 20 ha trên địa bàn thành phố”.

 Sau triển khai thí điểm tại xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum sẽ nhân rộng tại những cánh đồng lúa thường bị khô hạn trong vụ đông xuân, dự kiến xuống giống vào cuối năm 2016.

Việc đưa giống sắn cao sản KM 194 vào thay thế cây lúa trong vụ đông xuân trên diện tích thường bị khô hạn là rất khả quan, giúp cho bà con nông dân đa dạng hóa các loại cây trồng, nâng cao thu thập cho gia đình.

CTV Minh Phượng- Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *