(kontumtv.vn) – Đường 7 trong những năm chiến tranh ác liệt với những địa danh đã đi vào huyền thoại. Con đường này được xem là nơi đặt dấu chấm hết cho Quân đoàn 2, quân đội Sài Gòn tại mặt trận Tây Nguyên, tạo tiền đề cho Đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. 44 năm sau Ngày Giải phóng tỉnh Gia Lai, dọc Đường 7 năm xưa giờ đây là Quốc lộ 25 đã có sự thay da đổi thịt của một vùng đất anh hùng.

Thất thủ ở mặt trận Tây Nguyên, những ngày tháng 3 năm 1975,  quân địch ở Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum đã tháo chạy xuống vùng đồng bằng qua Đường 7. Nắm được vị thế của con đường độc đạo này, các đơn vị bộ đội của ta cùng với người dân đã chặn đánh ở nhiều vị trí hiểm yếu làm tan rã toàn bộ lực lược Quân đoàn 2 của quân đội Sài Gòn; các trận truy kích trên Đường 7, quân và dân tỉnh Gia Lai đã bắt sống 8.000 tên địch, thu và phá 1.400 xe quân sự các loại. Qua đây làm thất bại hoàn toàn âm mưu tập hợp lực lượng của địch để tái chiếm Tây Nguyên.

Toàn cảnh huyện A
Toàn cảnh trung tâm huyện Krông Pa với Đường 7 – Quốc lộ 25 đi qua

Là người trực tiếp chỉ huy bộ đội địa phương phối hợp với Sư 320 truy kích tàn quân địch, ông Hoàng Lâm (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) khi ấy là Bí thư Huyện ủy H37, thuộc tỉnh Đăk Lăk nay đã gần 90 tuổi, song vẫn còn nhớ như in những trận đánh ác liệt đó. Ông Hoàng Lâm kể: “Quân mình chặn thắt nút ở đèo Tô Na để đánh diệt địch. Ban đầu thì nó vẫn bám trụ để tấn công mình nhưng mà quân mình đánh cháy mấy xe tăng; thấy xe tăng còn bị đánh cháy nên quân địch sợ quá rút, bỏ chạy qua phía sông Ba”.

 “Nó tranh nhau nó đi để thoát được mạng sống; xe tăng của chúng chen lấn nhau và tự nó bắn nó chứ cách mạng mình không có bắn vì sợ trúng dân. Do đông quá nên xe tăng của chúng chen nhau 4, 5 chiếc chạy lên cây cầu thì bị sập hết, không thoát được nên chúng lùa dân đi để làm bia đỡ đạn cho chúng; ai mà không đi là chúng nói làm cho cộng sản và bắn nên chúng tôi sợ phải rút đi”. Ông Lê Văn Hàng, người dân xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa nhớ lại.

Chiến tranh qua đi, sau ngày Gia Lai giải phóng, đất nước thống nhất, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước dọc con Đường 7 huyền thoại từ vùng đất Cheo Reo khi xưa đến dưới chân đèo Tô Na nay là huyện Krông Pa đã có sự đổi thay rõ nét. Quốc lộ 25 được đầu tư hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa các vùng và khu vực. Đại công trình thủy lợi Ayun Hạ đã cung cấp nước tưới và tạo ra những cánh đồng trải dài tít tắp với bạt ngàn màu xanh của lúa, của ngô, của mía… đem lại cuộc sống ấm no, đủ đầy cho người dân. Những buôn, làng trù phú, những ngôi nhà mới khang trang san sát nhau đã tô điểm thêm cho con Đường 7 năm xưa với những gam màu tươi sáng của cuộc sống mới. Ông Ksor Tam (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) nói: “Khi giải phóng thì đường sá hư hỏng hết, cuộc sống của đồng bào thì rất khó khăn, lương thực, thực phẩm không có. Giờ thì nhà cửa đàng hoàng, đường sá đi tới khắp nơi; xã nào cũng có đường, có trường, có trạm; cuộc sống đổi mới, hiện nay người dân thì không còn đói nữa”.

Chiến tranh đã lùi xa, song trong những ngày Tháng 3 lịch sử này, về với con Đường 7 huyền thoại năm xưa, chúng ta có thể cảm nhận được quá khứ hào hùng của nơi đây. Những vết tích của chiến tranh giờ đây đã không còn, mà thay vào đó là sự thay da đổi thịt của những vùng đất anh hùng, Cheo Reo, Phú Bổn… đang từng ngày vươn lên mạnh mẽ.

Đức HảiHuy ToànNguyễn Sang

Đài PT-TH Gia Lai

                                               

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *