(kontumtv.vn) – Đổi mới cơ chế tài chính là chìa khóa để phát triển mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình. Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến triển khai Phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016 – 2020 với các tỉnh, thành trong cả nước.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Sau ba năm từ 2013 -2015, triển khai thực hiện đề án tại 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình đã đạt được một số kết quả bước đầu như thành lập được 240 phòng khám, vượt chỉ tiêu đặt ra. Trong đó, có 234 phòng khám bác sĩ gia đình công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế chiếm hơn 98%, đã thực hiện thanh toán BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh này và tham gia cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Mặc dù mới thành lập, các phòng khám bác sĩ gia đình đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám bác sĩ gia đình theo mô hình của Bộ Y tế qui định; thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân và gia đình, cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám bác sĩ gia đình, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình. Các phòng khám bác sĩ gia đình bước đầu tham gia truyền thông phòng bệnh, vận động tiêm chủng. Từ năm 2013 đến giữ năm 2015, tại 5 tỉnh, thành gồm TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên – Huế, Hà Nội, Khánh Hòa, Cần Thơ đã thực hiện quản lý trên 195.200 hồ sơ sức khỏe và khám sàng lọc được hơn 500.000 lượt người, trong đó phát hiện được hơn 246.000 ca bệnh tật và chuyển viện 3.600 ca. Một số phòng khám bác sĩ gia đình  hoạt động rất tốt; đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần phải phát triển và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của hệ thống trạm y tế xã, phường, tăng cường lồng ghép mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà. Thực chất đây là mô hình không xa lạ, nhưng khi áp dụng còn vướng mắc, không hiệu quả, do đó cần phải tích hợp, lồng ghép thực hiện. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu giảm tải tối thiểu những chính sách, qui định rườm rà để mọi người dân đều có thể tiếp cận được với dịch vụ y tế nhanh chóng, hiệu quả. Đổi mới cơ chế tài chính, đó là chìa khóa phát triển mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình. Thực hiện mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng chăm sóc y tế ban đầu. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh mô hình này để công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân được toàn diện và đầy đủ nhất.

                                                                                        Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *