(kontumtv.vn) – Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nhằm hiện thực hóa quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sau hơn nữa tháng đã có hiệu lực rõ rệt. Số lượng người uống bia, rượu tham gia giao thông giảm đáng kể.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2020, dù đang vào cao điểm hút khách nhưng 2 tuần nay, lượng khách đến các nhà hàng, quán nhậu ở thành phố Kon Tum giảm hẳn. Nguyên nhân được xác định là do lực lượng chức năng tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông để thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và người tiêu dùng cũng ý thức được việc này.

Quan sát tại nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố các thời điểm trưa và tối, bàn ghế trống trơn và có rất ít khách.

Kiểm tra nồng độ cồn của lái xe
Kiểm tra nồng độ cồn của lái xe

Quán Công Dê Kon Tum, đường Trường Chinh khai trương cách đây gần 1 năm, nhưng chưa có ngày nào quán vắng khách như thời điểm hiện nay. Trước đây, bình quân doanh thu của quán đạt vài trăm triệu đồng/tháng nhưng 2 tuần trở lại đây doanh thu của quán giảm khoảng 70%. Ông Nguyễn Lập Công, chủ quán nói: “Doanh số của quán đã giảm xuống hẳn so với trước. Nếu như thời gian cứ như thế này mà tiếp diễn thì có khả năng nguy cơ phải đóng cửa quán là rất cao. Nó có nguyên nhân chính là khi Nghị định 100 có hiệu lực người dân rất sợ về vấn đề bị phạt và phạt ở mức độ rất cao cho nên người ta có thể mua về và rất hạn chế đi nhậu”.

Kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP được tuyên truyền và được lực lượng Cảnh sát giao thông các huyện, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở người dân đã uống rượu, bia thì không lái xe. Sau hai tuần thực thi, Nghị định 100 của Chính phủ đã có hiệu lực mạnh đến người tham gia giao thông; mọi người dân đã tự nâng cao ý thức trong việc điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia.

Để giữ khách hàng, nhiều chủ quán, nhà hàng hỗ trợ dịch vụ taxi, miễn phí 100% đưa thực khách và phương tiện về tận nhà an toàn. Ông Nguyễn Lập Công, Chủ quán Công Dê Kon Tum nói: “Ở nhà mình chỉ có một chiếc xe và mới mua thêm một chiếc nữa nhằm phục vụ cho khách hàng để khi đến quán mình ăn uống thì mình có phương tiện đưa đón tận nơi và đưa về, thứ nhất là để đảm bảo an toàn giao thông, thứ hai là để kích cầu thêm cho quán”.

Mặc dù còn những ý kiến trái chiều về các mức xử lý vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ nhưng phải khẳng định đây là nghị định kịp thời, phù hợp với thực tiễn, nhất là trong tình trạng tai nạn giao thông do uống rượu bia ngày càng gia tăng hiện nay. Hi vọng cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định 100 của Chính phủ với các chế tài mạnh mẽ, sẽ góp phần cải thiện rõ rệt tình hình vi phạm trong lĩnh vực giao thông để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, nhất là những ngày Tết đến xuân về.

Hoàng Lợi – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *