(kontumtv.vn) – Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu công phu của các học giả, phân tích, mổ xẻ từng khía cạnh của quan hệ Nga – Việt.

Ngay trước thềm chuyến thăm LB Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hôm qua (21/11/2014), Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga tổ chức cuộc hội thảo mang tên “Triển vọng phát triển quan hệ Nga – Việt trong giai đoạn mới”.

Phó Viện trưởng Viện Phương Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Nga (người đứng) phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Viatreslav Belokrenitskovo, Phó Viện trưởng Viện Phương Đông nhấn mạnh: “Tôi muốn nói rằng, đây là một sự kiện quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và nhiều lĩnh vực khác của mối quan hệ Nga – Việt trong một giai đoạn mới cao hơn rất nhiều. Bởi vậy, các đại biểu tham gia hội thảo này sẽ bàn về nhiều khía cạnh trong thời gian một ngày này. Và tôi tin tưởng rằng, hội thảo sẽ thành công tốt đẹp”.

Tiến sỹ Sử học Kobelev với tham luận của ông về những giai đoạn lịch sử của quan hệ Liên Xô và LB Nga với Việt Nam
Tiến sỹ Lokshin (người đứng trên bục), với tham luận về hợp tác chính trị Nga – Việt Nam
Nhà Việt Nam học trẻ tuổi Tsvetov với tham luận về quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện Nga – Việt”
Tham gia hội thảo, các nhà nghiên cứu thuộc các Viện, các trường Đại học với chuyên ngành Việt Nam học và cả Bộ Ngoại giao Nga đã tập trung phân tích nhiều khía cạnh của mối quan hệ Nga – Việt với những thời cơ, thách thức; với những thăng, trầm của nhiều giai đoạn lịch sử. Những tham luận được trình bày tại Hội thảo là: “Liên Xô/ Nga – Việt Nam: Những giai đoạn lịch sử” của Tiến sỹ sử học Evgheni Kobelev; “Hợp tác chính trị Nga – Việt” của Tiến sỹ Grigori Lokshin; “Đối tác chiến lược toàn diện Nga – Việt: Khái niệm kiến thức” của tiến sỹ trẻ Anton Svetov; “Triển vọng hợp tác kinh tế Nga – Việt” của Tiến sỹ Dmitri Mosiakov; “Hợp tác Nga – Việt trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa” của Tiến sỹ A. Sokolov và “Quan hệ Nga – Việt trong tình hình cụ thể của các mối quan hệ quốc tế trong khu vực Đông Nam Á” của nữ tiến sỹ Ekaterina Koldunova…
Các nhà nghiên cứu Việt Nam trao đổi rất cởi mở về các vấn đề rất phong phú của Hội thảo

Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu công phu của các học giả, phân tích, mổ xẻ từng khía cạnh của quan hệ Nga – Việt với những nội dung rất phong phú. Ở lĩnh vực Kinh tế thì đó là sự hợp tác đang còn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên. Ở lĩnh vực văn hóa, giáo dục thì dẫu đang ngày càng phát triển, nhưng có một thời gian chững lại đã khiến giảm sụt số lượng sinh viên được đào tạo tại Nga. Để khắc phục tình trạng này, tham luận của các đại biểu chỉ ra rằng, chỉ có tăng cường các chuyến thăm cấp cao mới là động lực thức đẩy tăng trưởng trở lại các hoạt động vốn có truyền thống của quan hệ Liên Xô – Việt Nam. Lĩnh vực hợp tác chính trị cũng là vấn đề được trao đổi cởi mở sau báo cáo của Tiến sỹ Lokshin.

Ông Dmitri Mosiakov, Lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á – châu Úc và châu Đại dương phát biểu kết luận một phiên Hội thảo.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí Việt Nam tại LB Nga, ông Dmitri Mosiakov, Lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á – châu Úc và châu Đại dương phân tích 2 khía cạnh quan trọng của Hội thảo này rằng:“Tôi cho rằng, hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng: bởi nó phù hợp với mức độ quan trọng của mối quan hệ Nga – Việt và nó thu thập những thông tin về Việt Nam, đưa ra những phân tích, đánh giá của mình. Về thời điểm diễn ra hội thảo là rất đúng lúc, hiện nay tình hình rất phức tạp, theo đó, như các bạn đã biết là Nga đang chịu sự trừng phạt của các nước phương Tây và với chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cho thấy một sự ủng hộ rất đáng quý của Việt Nam đối với Nga”.

Trong một ngày làm việc, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã sôi nổi, cởi mở, thẳng thắn trao đổi để rồi cuối cùng rút ra được kết luận quan trọng là mối quan hệ Nga – Việt, dẫu còn không ít thách thức ở phía trước nhưng triển vọng là rất sáng sủa và để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, hai bên cần đi sâu vào từng lĩnh vực và tiến hành một cách thực chất để mang lại hiệu quả ngày một thực tế hơn chứ không chỉ toàn những lời nói xã giao hoặc hành động có tính hình thức./.

Điệp Anh, Đoan Hải/ VOV- Moscow

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *