(kontumtv.vn) – Chiều 21/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Trồng trọt.

Dự thảo Luật Trồng trọt gồm 7 Chương và 82 Điều nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hoá, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dự thảo Luật Trồng trọt có một số điểm mới đáng lưu ý như: bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp; giảm bớt thời gian, thủ tục hành chính và kinh phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng trong kinh doanh.

nhieu diem moi trong du thao luat trong trot trinh quoc hoi hinh 1
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường. (Ảnh: KT)

Cụ thể, bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt đảm bảo phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước và lợi ích cộng đồng;

Bổ sung và luật hóa công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bổ sung và luật hóa các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư; hỗ trợ hoặc ưu đãi của Nhà nước cho các hoạt động cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phù hợp với yêu cầu phát triển trồng trọt trong giai đoạn mới bao gồm: chính sách bảo vệ chất lượng đất trồng trọt; Phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chính xác, công nghệ thông tin trong trồng trọt, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu…

Giảm bớt thời gian, thủ tục hành chính và kinh phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng trong kinh doanh;

Từng bước tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa các yêu cầu về chất lượng đối với giống cây trồng, chuyển dần từ việc cấp phép sang hậu kiểm đối với các hoạt động có thể hậu kiểm thuận lợi;

Xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, chứng nhận phù hợp với các Luật hiện hành, cụ thể với các giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính, chủ sở hữu giống không cần thực hiện khảo nghiệm mà chỉ cần gửi bản công bố lưu hành giống cây trồng tới cơ quan quản lý cấp Sở, kèm theo tiêu chuẩn về giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống do chủ sở hữu xác định và phải tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn đã công bố, tuân thủ nghiêm các quy định về thông tin và quảng cáo giống cây trồng.

Đối với giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính: Rút ngắn quy trình và thời gian khảo nghiệm, trong đó khảo nghiệm qua một giai đoạn, bỏ giai đoạn sản xuất thử nghiệm.

Luật hoá các quy định về quản lý phân bón, bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ hơn đối với các phân bón vô cơ hỗn hợp, ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (không phải khảo nghiệm).

Luật hóa quy định về hoạt động canh tác nhằm từng bước điều chỉnh hoạt động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất theo hướng thay đổi quan hệ sản xuất, thiết lập mối liên kết sản xuất bền vững theo hình thức sản xuất có hợp đồng, tạo điều kiện để phát triển một nền sản xuất hàng hóa, có giám sát và cấp chứng nhận sản phẩm.

Bổ sung các quy định về bảo quản, sơ chế, chế biến, thương mại, quản lý chất lượng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chuỗi sản xuất, sản phẩm trồng trọt.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trồng trọt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, Dự thảo Luật cần chuẩn hóa một số khái niệm như: “trồng trọt”, “canh tác”, “mẫu giống chuẩn”…

Cần rà soát để bảo đảm tính khả thi như hành vi ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, xuất khẩu giống cây trồng trước khi được cấp phép; cấm trồng cây phục vụ cho các mục đích trục lợi như phục vụ đền bù, giải phóng mặt bằng./.

Thy Hạt/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *