(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, công tác trồng rừng, phong trào trồng cây ở Kon Tum được chính quyền các cấp quan tâm và nhân dân đồng tình hưởng ứng nên đã mang lại những kết quả tích cực. Trồng rừng, trồng cây vừa góp phần nâng cao đời sống cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, trong lành hơn cho con người.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, UBND tỉnh về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, nhiều cơ chế chính sách được ban hành phù hợp với tình hình thực tế gắn quyền và lợi ích của chủ rừng, người làm nghề rừng, người dân sống gần rừng và ven rừng, nên công tác trồng rừng ở Kon Tum đã có nhiều chuyển biến, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trồng rừng. Diện tích rừng ngày càng tăng, riêng trong giai đoạn 2011 – 2016 toàn tỉnh đã trồng được hơn 7.765 ha rừng tập trung. Ông Nguyễn Tấn Liêm, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết: “Trong giai đoạn 2011 – 2016, trên địa bàn tỉnh đã trồng 7.765 ha rừng tập trung và hàng triệu ha cây phân tán. Trồng rừng tập trung thì gồm có trồng rừng phòng hộ, trồng rừng thay thế và trồng rừng sản xuất. Chất lượng rừng trồng thì cũng được quan tâm, áp dụng các biện pháp thâm canh, các biện pháp khoa học kỹ thuật, nên chất lượng của rừng trồng đã được nâng cao”.

Người dân tham gia trồng rừng
Người dân tham gia trồng rừng

Hưởng ứng phong trào “Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” do Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phát động, với chỉ tiêu mỗi cụ một năm trồng được từ 3 đến 10 cây, hội viên Hội Người cao tuổi các cấp ở Kon Tum đã tham gia trồng được hàng trăm nghìn cây các loại. Thực hiện có hiệu quả phong trào trồng cây không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân người cao tuổi. Ông Huỳnh Đăng Hải, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Kon Tum nói: “Từ khi tham gia Hội Người cao tuổi đến nay, hàng năm gia đình tôi tổ chức trồng nhiều loại cây. Trong đó gồm cây lấy gỗ, cây ăn quả và các loại cây khác, hiện nay trong vườn có trên 1.000 cây các loại. Nói chung đối với gia đình thì trồng cây với tính chất vừa thực hiện nhiệm vụ của người cao tuổi, cổng nhà sân vườn và làm cho sự phát triển chung của xã hội, bảo vệ môi trường, tạo ra môi trường xanh – sạch – đẹp”.

“Phát động mỗi cụ mỗi năm trồng từ 3 đến 10 cây các loại, các loại cây trồng đó gồm có cây bóng mát, cây cảnh, cây ăn quả,  trồng nhiều nơi có thể bên đường, trường học, ngay trong nhà mình, tùy theo điều kiện mà các cụ trồng. Kết quả hàng năm cả tỉnh trồng được từ 40 đến 50 nghìn cây, trong 5 năm qua thì đã trồng được hơn 200 nghìn cây các loại, phân tán ở trên tất cả địa phương”. Ông Nguyễn Huỳnh, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Kon Tum cho biết.

Có thể thấy, công tác trồng rừng, phong trào trồng cây đã có nhiều tác dụng thiết thực trong việc góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Từ những lợi ích đem lại nên việc trồng rừng, trồng cây đã được nhân dân tham gia và hưởng ứng tích cực. Đó chính là tiền để quan trọng để công tác trồng rừng và phong trào trồng cây có sức lan tỏa sâu rộng trong thời gian tới. Ông Nguyễn Tấn Liêm cho biết: “Trong năm 2017, tỉnh đang xây dựng kế hoạch và cũng đề nghị Trung ương duyệt để giao kế hoạch lâm nghiệp từ nay đến 2020. Trong những năm tới, trên địa bàn tỉnh với diện tích đất trống đồi núi trọc nhiều, tỉnh đã chỉ đạo rà soát để tiếp tục trồng rừng sản xuất, trồng rừng theo hướng thâm canh để đạt kết quả cao hơn”.

Với diễn biến ngày càng phức tạp của khí hậu, thời tiết và thiên tai, lũ bão liên tiếp xảy ra, việc thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng, trồng cây xanh sẽ góp phần chống biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nhân dân.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *