(kontumtv.vn) – Cùng với đẩy mạnh các chương trình tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Kon Tum còn triển khai có hiệu quả chương trình bảo hiểm thất nghiệp, giúp người lao động trên địa bàn tỉnh an tâm lao động sản xuất và cống hiến.

Từng là kế toán của một trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Kon Tum, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm không nghĩ có ngày mình rơi vào cảnh thất nghiệp. Chồng công tác xa nhà, bản thân chị phải chăm sóc hai con nhỏ. Từ sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ Việc làm, chị Tâm làm thủ tục nhận chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, chị được tư vấn, hỗ trợ học nghề để tìm việc làm mới. Chị Tâm nói: “Thất nghiệp, Nhà nước có hỗ trợ tôi 1.803.000đ một tháng, trong thời gian thất nghiệp tôi có khoản để trang trải, giúp tôi vượt qua khó khăn ban đầu. Bên cạnh đó tôi có học nghề lái xe và tôi được hưởng thêm chế độ học nghề 1 triệu đồng một tháng trong vòng 4 tháng. Được sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian thất nghiệp tôi cảm thấy ấm lòng để vững tin hơn trong thời gian tìm kiếm việc làm cho mình”.

Trung tâm Dịch vụ việc làm đảm bảo quyền lợi cho người lao động thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm đảm bảo quyền lợi cho người lao động thất nghiệp

Sau gần 9 năm thực hiện chính sách BHTN tại tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận 6.635 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm đã thẩm định, xét duyệt hồ sơ và tham mưu cho lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết cho gần 6.600 người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời hỗ trợ học nghề cho 105 trường hợp. Riêng năm 2018, Trung tâm đã tiếp nhận trên 1.500 lượt lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có gần 280 lao động người DTTS. Đơn vị đã chi trả hơn 18,7 tỉ đồng trợ cấp thất nghiệp.

Để giúp người lao động được hưởng quyền lợi khi thất nghiệp một cách nhanh chóng, thuận lợi, ngoài thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm đã đẩy mạnh cải cách hành chính, thay đổi lề lối, tác phong làm việc theo hướng thân thiện, tích cực và hiệu quả. Anh Phan Thanh Thuật, Phụ trách Phòng Bảo hiểm thất nghiệp cho biết: “Nói chung người lao động đến với Trung tâm để giải quyết chế độ, chính sách BHTN cũng như giới thiệu việc làm thì được cán bộ Trung tâm phục vụ tận tình, chu đáo và tư vấn cho họ chính sách mà họ được hưởng trong thời gian thất nghiệp như việc làm, học nghề. Đối với một số trường hợp ở xa, đem hồ sơ công chứng đến nộp thiếu thì được Trung tâm sẵn sàng phô tô phục vụ cho người lao động”.

Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, với mục tiêu hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp. Bên cạnh đó, nếu gặp rủi ro về việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có các biện pháp nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp.  Quan trọng hơn là chính sách bảo hiểm thất nghiệp có các biện pháp để hỗ trợ người thất nghiệp tái hòa nhập thị trường lao động. Theo quy định, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 3% của mức lương người lao động mỗi tháng. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 1%, người lao động đóng 1% và 1% được Nhà nước hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết: “Người lao động bị mất việc sẽ thấy rất buồn, vì vậy để hỗ trợ tốt nhất cho người lao động có thể sớm quay lại thị trường lao động thì thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Trung tâm chỉ đạo cho anh em chuyên môn đẩy mạnh tư vấn giới thiệu cho người lao động đến Trung tâm để tìm được việc làm phù hợp. Nếu sau 15 ngày người lao động chưa tìm được việc làm thì nhân viên của Trung tâm hỗ trợ người lao động thực hiện thủ tục hỗ trợ BHTN theo quy định của Nhà nước”.

Theo quy định, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đó là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Về điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp đó là người lao động có hợp đồng lao động phải đóng BHTN từ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng. Đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định phải đóng BHTN từ 3 tháng đến dưới 12 tháng thì được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Điều kiện bắt buộc đó là người lao động phải đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ vẫn chưa tìm được việc làm mới thì được hưởng chế độ BHTN.

Về thời gian hưởng, người lao động nếu đóng đủ từ 12-36 tháng bảo hiểm thất nghiệp thì khi bị thất nghiệp được hưởng trợ cấp 3 tháng. Nếu đóng BHTN  nhiều hơn 36 tháng thì người lao động khi thất nghiệp được hưởng trợ cấp nhiều hơn. Tuy nhiên thời gian hưởng không quá 12 tháng. Về mức hưởng, người lao động được trợ cấp 60% mức lương bình quân của 6 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động còn được tư vấn, giới thiệu việc làm, được hỗ trợ học nghề để có thể tham gia trở lại thị trường lao động, được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, được chi trả bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản ATM. Bà Nguyễn Thị Nga nói: “Thực hiện chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm và các chế độ đối với người lao động hưởng BHTN, Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm tại đơn vị để người lao động có sự lựa chọn phù hợp. Trung tâm thường xuyên cập nhật thông tin của các doanh nghiệp ban hành bản tin việc làm, thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch tại địa phương để giới thiệu việc làm cho người klao động nói chung, trong đó có người lao động thất nghiệp. Một việc nữa là Trung tâm phối hợp các đơn vị dạy nghề đào tạo các nghề dễ tìm việc giúp người lao động sớm quay lại thị trường lao động”.

Nhờ triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong thời gian qua đã có hàng ngàn lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm và được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, hàng trăm trường hợp được hỗ trợ học nghề và có việc làm sau một thời gian ngắn hưởng trợ cấp.

Với tính ưu việc và tính nhân văn đối với người lao động, bảo hiểm thất nghiệp đã và đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng.

Văn Hiển – Huỳnh Đại

                                                                                      

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *