(kontumtv.vn) – Phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác đào tạo nghề, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Kon Plông đã giúp hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn nắm bắt được khoa học kỹ thuật, tự tin lao động sản xuất trên đồng ruộng của mình để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Sau một thời gian dài nghiên cứu thử nghiệm, vào đầu tháng 6/2019, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kon Plông đã nghiệm thu và đưa mô hình trồng rau thủy canh vào phục vụ công tác giảng dạy và quảng bá sản phẩm để ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Khác với một số mô hình trồng rau thủy canh hiện có, mô hình trồng rau thủy canh do nhóm tác giả Dương Hữu Thế, Vũ Thị Ngọc Trang và Thái Khương Duy là giáo viên TTGDNN-GDTX huyện Kon Plông xây dựng có lồng ghép các chức năng như thủy canh tĩnh, thủy canh hồi lưu và thủy canh nhỏ giọt. Ông Dương Hữu Thế, giáo viên trung tâm này cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu làm ra mô hình này gọi là mô hình thủy canh 3 trong 1. Mô hình này có nhiều ưu điểm. Thứ nhất là nó lắp ráp được và sử dụng trên diện tích rất là nhỏ. Thứ hai là không sử dụng đất mà sử dụng dạng xơ dừa rất sạch và ý tưởng chúng tôi làm nên mô hình là phục vụ trong công tác giảng dạy. Khi giảng dạy dùng hình ảnh, lời nói nó không trực quan bằng mô hình thực tế đây. Xuất phát từ những điểm đó chúng tôi thực hiện mô hình này”.

Mô hình thủy canh 3 trong 1
Mô hình thủy canh 3 trong 1

Vì mục tiêu đào tạo nguồn lao động đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung và tại huyện Kon Plông nói riêng, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kon Plông đã đầu tư nghiên cứu xây dựng các giáo trình, giáo án, các trang thiết bị dạy học để phục vụ tốt cho công tác đào tạo nghề ở địa phương. Năm 2018, đơn vị đã tổ chức thành công hội giảng giáo dục nghề nghiệp cấp cơ sở, cử giáo viên tham gia hội giảng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Kết quả, đơn vị đạt một  giải nhì tập thể, một giải nhất và một giải khuyến khích cá nhân ở hội giảng cấp tỉnh. Đạt một giải khuyến khích ở hội giảng giáo dục nghề nghiệp cấp quốc gia. Kết quả đạt được chính là động lực để Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kon Plông tiếp tục phấn đấu trong thời gian đến. Ông Nguyễn Thanh Vận, Giám đốc TTGDNN-GDTX huyện Kon Plông nói: “Mục tiêu đặt ra cho đến năm 2020 theo Nghị quyết của huyện Đảng bộ thì chúng tôi phối hợp với các địa phương cũng như các doanh nghiệp nâng cao một bước trong công tác đào tạo dạy nghề, tìm ra các giải pháp, đưa giáo viên đi đào tạo các mô hình cũng như học hỏi các tỉnh bạn về nông nghiệp công nghệ cao, đưa khoa học kỹ thuật làm sao cho dân nắm bắt cao hơn cũng như áp dụng trong thực tiễn”.

Từ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kon Plông, năm 2018 đã có gần 500 lượt học viên được tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm tiếp tục tuyển sinh 13 lớp và hiện đang đào tạo 360 học viên theo học các lớp nghề về chăm sóc cây cà phê, cây dược liệu, chăn nuôi trâu bò và chăn nuôi heo. Thông qua các lớp đào tạo nghề mở tại thôn, làng; các học viên đã nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản để có thể làm công nhân tại các trang trại sản xuất rau hoa xứ lạnh hoặc có thể tự canh tác, làm giàu trên mảnh vườn của mình. Câu chuyện nông dân A Vương ở làng Đăk Ne, xã Măng Cành tự tin trồng 3.500 cây cà phê xứ lạnh, trồng 2.000 m2 cây dược liệu xen canh với cây ngô lấy thân trong trên diện tích rẫy hơn 2 ha của mình và đầu tư chăn nuôi 10 con trâu để phát triển kinh tế là tiêu biểu. Anh A Vương chia sẻ: “Trước đây tôi nhiều đất không biết trồng cây gì vì không biết kỹ thuật trồng các loại cây trên địa bàn. Qua 3 lớp học tôi về trồng các loại cây. Lớp thứ nhất là cây dược liệu, lớp thứ hai là chăn nuôi, lớp thứ 3 là trồng cây cà phê. Đến nay tôi cũng cố gắng làm thêm cả 3 mô hình để cố gắng gia đình mình vươn lên thoát nghèo”.

Sự nỗ lực trong công tác đào tạo nghề ở huyện Kon Plông, không chỉ giúp bà con nông dân tự tin làm giàu trên đồng ruộng tại quê hương mình, mà còn giúp các địa phương trong huyện hoàn thành tiêu chí đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Ông A Xinh, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Cành, huyện Kon Plông nói: “Trong thời thời gian vừa qua xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở các lớp gắn với xây dựng nông thôn mới để xã đạt được các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Quá trình học nghề bà con hiểu biết về cách chăm sóc các loại cây trồng mà xã chú trọng, đặc biệt là cây dược liệu như sâm đương quy và đẳng sâm và các cây dược liệu khác. Bà con hiểu học nghề để nâng cao thu nhập của bà con về phát triển kinh tế, xã hội”.

Cùng với các đơn vị đào tạo nghề trong toàn tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kon Plông đã góp phần hiệu quả vào việc đào tạo nguồn lao động nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đào tạo nguồn lao động đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nền nông nghiệp cao trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *