(kontumtv.vn) – Lần đầu tiên một đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đã dũng cảm công khai thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn…

Có nhiều cột mốc đổi mới quan trọng trong lịch sử 85 năm của Đảng. Nhiều cột mốc quan trọng diễn ra trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến, bằng sự đổi mới đúng đắn và sáng tạo của mình, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ.

đổi mới, Đảng
Đại hội Đảng lần thứ 11, tháng 1/2011. Ảnh: Minh Trường

Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tới nay, 40 năm xây dựng đất nước trong hòa bình, Đảng luôn có tinh thần đổi mới, luôn chỉnh đốn, tự phê bình, tự chỉ trích để làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng được nhiệm vụ cách mạng trong những thời điểm ngặt nghèo của lịch sử.

Nhìn lại lịch sử 85 năm, một cột mốc phải nhắc đến, đó là sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đến tháng 7 năm 1976, Bộ Chính trị đã thông qua QH quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Tháng 12/1976, Đại hội Đảng lần thứ IV đã quyết định đổi tên Đảng từ Đảng Lao động VN thành Đảng Cộng sản VN và đề ra Đường lối chung và Đường lối xây dựng nền kinh tế XHCN nhằm 4 mục tiêu.

Đó là “Xây dựng “Chế độ làm chủ tập thể XHCN thể hiện một cách tập trung ở sự làm chủ tập thể của nhân dân lao động (mà nòng cốt là liên minh công nông) chủ yếu bằng nhà nươc XHCN đưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong của giai cấp công nhân”.

“Xây dựng nền sản xuất lớn XHCN”, “Xây dựng nền văn hóa mới”, “Xây dựng con người mới XHCN”. Trên tinh thần ấy, ngày 18/12/1980, QH quyết định sửa đổi Hiến pháp 1959, ban hành bản Hiến pháp 1980.

Sau hơn 5 năm (1976-1982), thực tiễn tình hình đất nước gặp rất nhiều khó khăn.

Đại hội lần thứ V họp trong 5 ngày (từ 27 đến 31/3/1982) tuy có một vài sửa đổi về chủ trương cụ thể nhưng vẫn kiên trì 4 mục tiêu mà Đại hội IV đã đề ra.

Nhưng tình hình đất nước những năm 1980 tiếp tục rơi vào khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng.

Đại hội lần thứ VI của Đảng diễn ra vào 1986 thực sự trở thành cột mốc đổi mới toàn diện đất nước.

Theo Văn kiện Đại hội VI, Đảng nhận định “đối với nước ta đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”. Đại hội VI đã thể hiện rõ tầm nhìn trí tuệ và bản lĩnh cách mạng của Đảng ta – một Đảng chân chính cách mạng dày dặn kinh nghiệm – nên đã dũng cảm nhận ra những sai lầm thiếu sót sau 10 năm thực hiện NQ Đại hội IV và V (1976-1986).

Văn kiện chỉ rõ, sau khi thống nhất đất nước, do chưa nhận thức đầy đủ về thời kỳ quá độ và do tư tưởng chủ quan, nóng vội, muốn bỏ qua những bước đi cần thiết, Đai hội IV chưa xác định những mục tiêu của chặng đường đầu tiên.

“Trước hết cơ cấu đầu tư thường chỉ xuất phát từ lòng mong muốn đi nhanh, không tính tới điều kiện và khả năng thực tế, không kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu công nghiệp với nông nghiệp thành một cơ cấu hợp lý, chưa sử dụng có hiệu quả những khả năng mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài” – trích theo văn kiện Đại hội VI.

Đó là “đã có những biểu hiện nóng vội muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi XHCN, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh. Đối với kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, ít chú ý những đặc điểm tính chất của từng ngành, từng nghề để lựa chọn hình thức tổ chức thích hợp, có xu hướng muốn tổ chức ngay những hợp tác xã quy mô lớn, không chú ý đến khả năng trang bị kỹ thuật, trình độ quản lý và năng lực của cán bộ…”.

Đó là sai lầm về quản lý nhà nước “thể hiện ở nhiều khuyết điểm trong cải tạo XHCN, quản lý kinh tế, xã hội, đấu tranh tư tưởng, văn hóa và trong việc chống lại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù… chưa thiết lập và giữ vững trật tự XHCN trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, đã để cho pháp luật và kỷ cương của nhà nước bị vi phạm ngày càng phổ biến”.

Đây là lần đầu tiên một đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đã dũng cảm công khai thừa nhận “những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện” đã mắc “bệnh chủ quan, duy ý chí… vừa “tả khuynh, vừa hữu khuynh”.

Kể từ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được mở ra từ ĐH VI, một chặng đường dài ngót 30 năm, bên cạnh những thành tựu cũng có những khuyết điểm.

Những sai lầm khuyết điểm hiện nay dường như đã được báo từ 30 năm trước. Đáng chú ý có những sai lầm khuyết điểm không còn là hiện tượng đơn lẻ, ở một số ngành, địa phương và cơ sở, không chỉ ở cấp thấp mà ở cả tất cả các cấp, các ngành, từ trên xuống dưới.

Nếu như cách đây 30 năm Đảng nhận định đổi mới là có ý nghĩa sống còn thì nay là sửa chữa sai lầm và khuyết điểm, là chống “giặc nội xâm”: sự suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức, quan liêu, tham nhũng, bất chấp kỷ cương phép nước của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả ở cấp cao, cấp chiến lược, trong quá trình đổi mới lại đang là “thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta” như NQ TƯ 4 (khóa XI) đã chỉ ra.

NQ TƯ 4 có thế coi là một cái mốc thể hiện tinh thần dũng cảm, tự phê bình, tự chỉ trích, tự chỉnh đốn, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh để tiếp tục đưa công cuộc đổi mới toàn diện đất nước tiến lên một cách bền vững.

Hội nghị TƯ 10 mới đây đã một lần nữa thể hiện Đảng CSVN thức trách nhiệm cao về sứ mệnh lịch sử của mình trước nhân dân – dân tộc, thể hiện một bước tiến mới về thực hành dân chủ trong Đảng.

Trần Đình Huỳnh (nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng)/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *