(kontumtv.vn) -PGS Văn Như Cương được đánh giá là người tiên phong trong đổi mới tư duy giáo dục và thúc đẩy phát triển giáo dục.

Cả cuộc đời, PGS – Nhà giáo Văn Như Cương luôn dành thời gian, tâm sức cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Ông được đánh giá là người tiên phong trong đổi mới tư duy giáo dục và thúc đẩy phát triển giáo dục.

Người tiên phong đổi mới tư duy về trường tư thục

Sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI năm 1986, đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới, trong đó đặc biệt là cuộc đổi mới về tư duy với việc khuyến khích phát triển giáo dục.

Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie, Hà Nội – người đã sát cánh cùng PGS Văn Như Cương trong những ngày đầu mở trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cho biết: Với sự khuyến khích đó, thầy Văn Như Cương là người đầu tiên khởi xướng thành lập loại hình trường phổ thông tư thục đầu tiên ở Việt Nam.

Trường Lương Thế Vinh thành lập năm 1989 đến nay hoạt động rất có hiệu quả.

tu duy dot pha trong giao duc cua thay van nhu cuong hinh 1
Thầy Văn Như Cương là người đầu tiên khởi xướng thành lập loại hình trường phổ thông tư thục đầu tiên ở Việt Nam được thành lập năm 1989 mang tên trường THPT Lương Thế Vinh

Sự ra đời của hệ thống trường phổ thông tư thục (đến nay đã 29 năm) thể hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục rất đúng đắn của Nhà nước ta, nhằm huy động thêm sự đóng góp của xã hội cho việc phát triển giáo dục.

Sau gần 30 năm hoạt động, hiện nay ở Hà Nội đã có tới 68 trường tư thục. Các trường tư thục đều có những đóng góp nhất định vào sự phát triển về số lượng, chất lượng giáo dục của Thủ đô.

Nếu như các trường đầu tiên gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính, về cơ sở dạy và học thì các trường mới thành lập về sau đã huy động được nguồn vốn của các doanh nhân thậm chí của các doanh nghiệp lớn…

Bởi vậy họ xây dựng được những cơ sở dạy và học khang trang, hiện đại, mời được các thầy giáo tận tâm với nghề và có nhiều kinh nghiệm…

Đã xuất hiện nhiều trường tư thục cạnh tranh ngang ngửa với các trường công lập tốp đầu. Đã có khá nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con em mình vào học tại các trường tư thục có chất lượng tốt.

Chất lượng giáo dục phụ thuộc rất lớn vào người thầy

Trong những năm gần đây, điểm chuẩn vào các trường sư phạm có xu hướng giảm dần. Đặc biệt năm nay, một số trường sư phạm lại rất thấp, thậm chí có trường cao đẳng sư phạm thông báo tuyển thí sinh chưa đến 10 điểm/3 môn.

Điều này khiến nhiều người lo ngại chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

tu duy dot pha trong giao duc cua thay van nhu cuong hinh 2
PGS Văn Như Cương nhận định: Chất lượng giáo dục hoàn toàn phụ thuộc vào các thầy cô giáo

Trước những lo ngại trên, PGS Văn Như Cương thẳng thắn nêu rõ: “Các trường sư phạm không nên tuyển sinh bằng mọi giá để đủ chỉ tiêu, đủ kinh phí trả lương cho giảng viên. Cả một thế hệ chỉ đạt 9-10 điểm vào ngành Sư phạm thì lấy đâu ra người giỏi nữa. Thầy kém thì trò kém, trò kém vào trường đại học thì lại càng kém”.

Nhận định về tư duy đổi mới giáo dục của thầy Văn Như Cương, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Sư phạm cho rằng, chất lượng giáo dục hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng giảng dạy của các thầy cô giáo. Cần có nhiều quyết sách nâng cao chất lượng này.

Chúng ta phải làm nhiều việc như quan tâm đến đời sống giáo viên, tăng lương cho giáo viên, khuyến khích được nhiều người giỏi vào ngành Sư phạm. Như vậy, mới thay đổi được chất lượng giáo dục.

Đổi mới tư duy từ tổng tham mưu của ngành giáo dục

Khi áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) của Colombia, xuất phát từ việc dạy lồng, dạy ghép vào Việt Nam, PGS Văn Như Cương cho rằng, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ, chuẩn bị chu đáo, chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh, góp ý của nhân dân, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh để các biện pháp đề ra đạt kết quả cao, tạo được sự đồng thuận xã hội…”.

tu duy dot pha trong giao duc cua thay van nhu cuong hinh 3
Lớp học theo chương trình VNEN (ảnh: Internet)

Thầy Văn Như Cương cho rằng, nếu chúng ta không làm được điều này thì giáo dục không đổi mới được – đó là sự thống nhất ý kiến giữa cơ quan đầu não của bộ với tất cả cơ sở giáo dục.

Như vậy, cái đổi mới cần thiết nhất, đầu tiên nhất theo thầy Cương là đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy từ tổng tham mưu của ngành giáo dục, lúc đó mới bàn được các nội dung khác.

Bằng cấp không có giá trị

Thầy Văn Như Cương đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta là một xã hội hiếu học, nhưng hiếu học của chúng ta bây giờ rất lạc hậu, ai cũng phải vào đại học, ai cũng tốt nghiệp đại học, mặc dù tốt nghiệp đại học cũng thất nghiệp khá nhiều”.

Theo gợi ý của thầy Văn Như Cương, toàn bộ công cuộc đổi mới giáo dục phải nhắm vào việc làm để thấy bằng cấp không có giá trị, mà chính lao động kỹ thuật cao, phục vụ cho đất nước, kiếm được ra tiền mới có giá trị.

Chương trình sách giáo khoa xa rời thực tế

Tư duy sắc sảo, đặc biệt là quan điểm luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên đã khiến tiếng nói của ông được sự quan tâm, đồng thuận của dư luận xã hội.

tu duy dot pha trong giao duc cua thay van nhu cuong hinh 4
PGS.TS Văn Như Cương chỉ ra những bất cập trong vấn đề xây dựng chương trình, viết SGK

Đã có rất nhiều vấn đề nhạy cảm mà người khác e ngại chưa đề cập thì PGS Văn Như Cương không ngại bày tỏ ý kiến thẳng thắn.

Khi câu chuyện 34.000 tỷ đồng để đổi mới chương trình SGK được đưa ra tranh luận, ông đã cho rằng, biên soạn một bộ sách chỉ cần 34 tỷ, thoáng hơn thì 50 tỷ là cùng.

PGS.TS Văn Như Cương cũng hé mở những bất cập trong vấn đề xây dựng chương trình, viết SGK, sức ép từ nhiều phía và quan điểm sai lầm khiến người xây dựng chương trình SGK đưa vào chương trình phổ thông những kiến thức hàn lâm, quá khó, xa rời thực tế cuộc sống và đặc biệt là vô bổ với học sinh.

Những bất cập khi liên tục đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia

PGS Văn Như Cương cũng chỉ ra nhiều bất cập trong các cuộc đổi mới liên tiếp về thi cử, đặc biệt là kỳ thi THPT Quốc gia…

Theo đó, năm 2015 lần đầu tiên diễn ra kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và lấy điểm tuyển sinh vào ĐH, PGS Văn Như Cương đã chỉ rõ những bất cập của kỳ thi này như để xảy ra tình trạng “vỡ trận” trong khâu để thí sinh rút-nộp hồ sơ.

Điều này đã gây lãng phí thời gian, kinh phí cho người dân và thí sinh, không đạt được mục tiêu giảm tốn kém của ngành Giáo dục.

tu duy dot pha trong giao duc cua thay van nhu cuong hinh 5
Thầy Văn Như Cương cho rằng, đến lúc không cần tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia

Còn năm nay, nhiều địa phương trên cả nước vừa công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT. Theo đó, nhiều tỉnh có tỷ lệ đỗ gần 100%. Một số tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn…, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 90%.

Trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của nhiều địa phương, trong đó có nhiều tỉnh miền núi quá cao, PGS Văn Như Cương cho rằng, đến lúc không cần tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.

Theo PGS.TS Văn Như Cương, Bộ GD-ĐT nên tập trung chỉ đạo thật tốt kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ để chọn lựa những người có có trình độ cao làm việc.

Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nên giao cho các trường tự chủ, có sự kết hợp với các địa phương tổ chức, như tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm nay.

Có như vậy, học sinh ở các địa phương không phải đổ dồn về các tỉnh, thành phố lớn thi, gây lãng phí tiền bạc, thời gian.

Các trường ĐH, CĐ có thể tự tổ chức ra đề thi riêng phù hợp với từng chuyên ngành, tiêu chí lựa chọn cụ thể hoặc có thể phối hợp với nhau tổ chức ra đề.

Bộ GD-ĐT không nên cho các trường ĐH, CĐ lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển. Sau đó, các trường lại cho thí sinh phải thi thêm các điều kiện, tiêu chí phụ khác./.

Bích Lan/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *