(kontumtv.vn) – Sau 14 năm thành lập, được sự quan tâm của tỉnh, sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng bộ, chính quyền và các dân tộc trên địa bàn huyện, diện mạo Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã khởi sắc.

Một trong những đổi thay rõ nét nhất trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đó là người dân đã từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, đã tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những diện tích trồng sắn giờ đã được phủ màu xanh của cà phê, bời lời, cao su; người dân đã ý thức hơn trong việc giữ rừng để phát triển các loại cây dược liệu. Đến nay, huyện có hơn 6.460 ha bời lời, cà phê, đẳng sâm, đương quy, sơn tra và sâm Ngọc Linh do người dân trồng, trong đó diện tích bời lời chiếm hơn 4.780 ha. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đã tăng từ 1,8 triệu đồng năm 2005 lên 20 triệu đồng năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 76% năm 2005 xuống còn 52% năm 2018. Ông A Chung (thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) nói: “Hiện tại bây giờ đời sống của gia đình khá hơn trước kia nhiều, trước kia mình không có việc gì làm, mình toàn đi cuốc ruộng, đi làm mì đó. Từ năm 2014 đến năm 2018 gia đình có công việc ổn định làm từ công ty giao trồng sâm thì khá hơn rất nhiều, mình cũng được 2 cái xe máy, sắm cho con cái đi học, đủ nuôi cho gia đình”.

Đời sống người dân ngày càng nâng cao nhờ phát triển cây dược liệu
Đời sống người dân ngày càng nâng cao nhờ phát triển cây dược liệu

Song song với hỗ trợ nâng cao đời sống cho người dân, huyện Tu Mơ Rông đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đi được 2 mùa; có điện lưới quốc gia, hơn 90% người dân được sử dụng điện; 11 Trạm y tế xã đều có bác sỹ; có trường mầm non, tiểu học, THCS… Với những nỗ lực của huyện và của người dân, kinh tế – xã hội trên địa bàn Tu Mơ Rông chuyển biến rõ nét, an ninh quốc phòng luôn được giữ vững, ổn định. Già làng A Hiết (thôn Kon Hnông, xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông) nói: “Bây giờ hầu hết các thôn, làng hộ nào cũng có được tivi, có xe, một số máy móc về công nông nghiệp để phát triển sản xuất. Về vấn đề y tế nhân dân cũng ý thức, không có phải tin tưởng vào thầy bói, thầy mo, thầy cúng, mà luôn đi các bệnh viện chữa bệnh, không có hủ tục như trước đây nữa”.

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở các lĩnh vực như trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh, phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2015-2020 nhằm từng bước nâng cao đời sống cho người dân. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Huyện tiếp tục thu hút đầu tư, quan trọng là thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào để các doanh nghiệp liên kết với hộ dân để phát triển và tìm đầu ra sản phẩm ổn định. Thứ hai là phát triển công nghệ cao, hiện nay huyện đang quy hoạch xong vùng công nghệ cao và thu hút các doanh nghiệp vào để tập trung phát triển công nghệ cao. Tin tưởng từ năm 2019 đến 2020 thì huyện có những bước chuyển lớn, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống và thu nhập bình quân đầu người sẽ cao và hy vọng đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 40%”.

14 năm sau ngày thành lập, diện mạo huyện Tu Mơ Rông hôm nay đã có sự đổi thay đáng kể, từ trung tâm huyện đến các xã đều được xây dựng khang trang hơn, cái khó khăn, cái nghèo đã và đang dần được thay thế bằng cuộc sống mới no đủ hơn. Những thành tựu đạt được là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tu Mơ Rông tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện ngày một phát triển và ổn định.

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *