(kontumtv.vn) – Học viên bị cô giáo chửi “óc lợn” đã có những lời nói, hành động vô lễ. Những học viên khác chắc hẳn cũng rất khó chịu khi trong lớp có học viên này.

Dư luận những ngày qua thực sự bức xúc trước những lời lẽ thiếu văn minh của một giáo viên tiếng Anh chửi học viên của mình là “mặt người óc lợn”. Những câu văng tục tưởng như chỉ có ở những kẻ côn đồ, chợ búa, lại được đưa hết vào lớp học. Các chỉ trích, phê phán phần lớn chĩa vào cô giáo. Và cô đã nhận sai khi có những phát ngôn không chuẩn mực ở môi trường sư phạm.

giao vien tieng anh chui hoc vien mat nguoi oc lon phai xu ly hoc sinh ca biet the nao hinh 1
Clip về cuộc cãi vã giữa cô giáo tiếng Anh và học viên được lan truyền chóng mặt trên mạng.

Song ở một khía cạnh khác, cũng cần nhìn rõ căn nguyên dẫn đến cơn “thịnh nộ” của cô giáo, đó chính là chuỗi những ngày học hành lười nhác, không tuân thủ kỷ luật lớp học của học viên, và tất cả bùng lên khi học viên này có những lời lẽ khiêu khích, “chạm” vào đúng “nọc” của cô giáo, khiến cô không thể kiềm chế được bản thân.

Trên mạng xã hội cũng đã có không ít người bày tỏ sự ủng hộ cô giáo trong việc xử lý học viên vô lễ, vô kỷ luật này. Bởi không ai khác, chính anh ta đã làm ảnh hưởng, thậm chí là xâm phạm đến quyền lợi của hàng chục học viên khác trong lớp. Vì những học trò cá biệt như vậy mà cô giáo không thể toàn tâm, toàn ý truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Nhìn rộng ra ở nhiều trường, lớp học hiện nay khá phổ biến tình trạng “cậu ấm, cô chiêu” đi học, mang những thói đỏng đảnh được nuông chiều ở nhà, những thói hư ngoài xã hội vào trong lớp để trêu trọc bạn bè, hành hạ cô giáo, thầy giáo đến mức họ rất ức chế.

Gia đình tôi có 2 thế hệ làm nghề gõ đầu trẻ. Thời bố tôi dạy học, học sinh cá biệt cũng không ít và khi đó chuyện đòn roi cũng không phải là hiếm. Bố tôi gắn bó với nghề gần 30 năm, nhưng các thế hệ học trò rất kính trọng, quý mến thầy. Còn chị tôi, dù rất muốn gắn bó với nghề dạy học nhưng không thể chịu đựng được những căng thẳng, bức xúc, áp lực và ức chế do học sinh gây ra. Chị tâm sự, lên lớp giảng bài, nhiều học sinh nói chuyện riêng, cô giáo nhắc thì tỏ thái độ cay cú, hỗn láo. Nhiều em đến lớp không làm bài tập ở nhà, cô nói thì cãi hoặc chống đối bằng cách bỏ tiết hoặc ngủ gục trong giờ. Giáo viên tìm đến bố mẹ học sinh để mong tìm sự hỗ trợ thì họ cũng chỉ ậm ừ, cho qua. Con cái họ hư vẫn hư, lười học vẫn lười, thậm chí, có những em đến lớp còn quậy phá, đánh bạn, không để bạn khác học… Không chịu nổi áp lực về các chỉ tiêu nhà trường đề ra trong khi có quá nhiều học sinh ngỗ ngược, chị tôi buộc phải chuyển nghề. Đến bây giờ, sau gần 10 năm không dạy học nữa, chứng kiến những sự vụ xảy ra trong ngành giáo dục chị bảo mình thật may mắn. Bởi các gia đình có ít con, toàn “con vàng, con ngọc” nên họ chiều chuộng con hết nấc, không cần biết việc chiều chuộng đó có quá đáng hay không, chỉ cần đáp ứng để mình được yên thân. Thế nhưng, nếu thầy cô nào lỡ nặng lời hay siết mạnh kỷ luật với con họ thì ngay lập tức họ phản ứng dữ dội, thậm chí quay phim đưa lên mạng xã hội để “ném đá” thầy cô. Rồi lại có những phụ huynh can thiệp thái quá vào công việc của trường lớp. Họ xét nét, soi mói vào nhiều phần việc không phải của mình khiến thầy cô làm gì cũng lo sợ sai.

Trở lại với lớp học tiếng Anh có cô giáo chửi học viên là “mặt người óc lợn”, không ít người cũng thấy bức xúc. Bởi anh ta đã chiếm đoạt quyền học tập của nhiều người khác, trong khi họ cũng phải nộp tiền giống mọi người.

Với những học sinh cá biệt, nhiều trường, nhiều thầy cô đã kết hợp giữa kỷ luật và tình thương rất thành công nhưng đòi hỏi các bậc làm cha, mẹ phải thực sự sát sao, có trách nhiệm với con mình. Mong rằng, những người làm cha mẹ đừng nghĩ hàng tháng lo nộp đủ tiền học cho con là xong trách nhiệm. Còn những người đi học không phải cứ nộp tiền rồi thì muốn làm gì thì làm.

Xã hội lên án những hành vi phi sư phạm, bạo lực trong nhà trường, trong đó có không ít những hành vi phá rối, ảnh hưởng tới các học sinh khác. Muốn có môi trường học tập tốt thì cần sự hợp tác có ý thức của người truyền đạt và người lĩnh hội kiến thức. Mọi người hãy một lần điềm tĩnh ngồi lại để suy ngẫm xem, mình đã thực sự tạo điều kiện, mở lòng hay đặt mình vào vị trí của người làm thầy để xem họ có “dễ thở” hay không?/.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *