(kontumtv.vn) – Từ vụ GS Trương Nguyện Thành trở về Mỹ, nhiều nhà giáo cho rằng cần sửa đổi Luật Giáo dục ĐH để các trường chủ động hơn trong việc bầu chọn hiệu trưởng.

Thông tin về việc Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành rời trường ĐH Hoa Sen do không đạt chuẩn để làm hiệu trưởng trường này khiến dư luận quan tâm.

Từ vụ việc này, nhiều người đặt ra câu hỏi: Có nên nhìn nhận vấn đề sao cho đúng và có phải đến lúc cần điều chỉnh nội dung Luật Giáo dục ĐH cho phù hợp hơn với thực tế hay không?

Là một trong những người đồng sáng lập trường Tin học và Quản lý Hoa Sen, tiền thân của trường ĐH Hoa Sen ngày nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không- trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP HCM cho rằng, việc Luật Giáo dục ĐH nước ta yêu cầu kinh nghiệm đối với người nắm chức vụ hiệu trưởng là cần thiết, hợp logic.

gs truong nguyen thanh tro ve my sua doi luat giao duc dh nhu nao hinh 1
GS Trương Nguyện Thành (ảnh: VietnamNet)

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, việc trường ĐH Hoa Sen bỏ phiếu đề xuất GS Trương Nguyện Thành làm hiệu trưởng thể hiện sự thiếu cân nhắc. Vì không thể nói rằng kinh nghiệm không cần thiết đối với chức danh hiệu trưởng một trường ĐH.

“Bất cứ công việc gì cũng vậy, trong điều kiện chất lượng mọi thứ như nhau thì người có kinh nghiệm hơn sẽ được chọn lựa hơn người thiếu kinh nghiệm. Bây giờ chúng ta đưa ai đó lên một chức vụ quản lý ở trường ĐH mà cao nhất là hiệu trưởng mà không đòi hỏi những kinh nghiệm thì tôi thấy quá sai lầm. Đặc biệt với giáo dục ĐH Việt Nam thì người hiệu trưởng có vai trò rất quan trọng trong vấn đề quyết định về chương trình đào tạo, các chế độ làm việc trong trường hay về nhân sự…”, PGS Nguyễn Thiện Tống nói.

Phân định rạch ròi giữa năng lực quản lý và nghiên cứu

Vấn đề liên quan, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, chúng ta cần phân định rạch ròi giữa năng lực quản lý và năng lực nghiên cứu để có cái nhìn toàn diện hơn.

“Giáo sư Trương Nguyện Thành là một giáo sư rất có tiếng trong nghiên cứu tại Hoa Kỳ, được quốc tế thừa nhận là điều mà cả nước trân trọng. Nhưng việc không đạt được tiêu chuẩn để làm nhà quản lý lại là một câu chuyện khác. Không phải thầy giáo là một nhà nghiên cứu xuất sắc thì đương nhiên đạt được tiêu chuẩn để làm quản lý, để làm hiệu trưởng”, TS Ngọc Sơn bày tỏ.

Nhìn nhận ở góc độ của Luật Giáo dục ĐH hiện hành, theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, điều quan trọng hiện nay là phải chỉnh sửa nhiều nội dung để luật phù hợp hơn với thực tiễn.

Chiếu theo các tiêu chuẩn của Luật Giáo dục ĐH hiện nay thì hiệu trưởng trường ĐH cần đáp ứng cả các tiêu chuẩn cứng bao gồm: Trình độ, học vị, thâm niên quản lý và các tiêu chuẩn mềm như uy tín, nghiên cứu khoa học… Tiêu chuẩn cứng bắt buộc tuân thủ, còn tiêu chuẩn mềm có thể do đơn vị cân đối.

TS Nguyễn Ngọc Sơn phân tích, quy định về thâm niên quản lý đối với chức danh hiệu trưởng cần được xem xét lại vì một người 5 năm làm trưởng đơn vị chưa chắc có kinh nghiệm quản lý tốt.

Năng lực quản lý phụ thuộc vào hiệu quả quản lý chứ không nằm ở thời gian người đó nắm chức vụ quản lý. Năng lực này cần được đánh giá từ chính cơ sở mà người đó đang hoạt động để xác thực. Do vậy, cần linh động về khung thời gian trong bộ tiêu chuẩn cứng để các trường chủ động hơn trong việc bầu chọn người phù hợp với chức danh hiệu trưởng.

Đồng quan điểm là cần phải sửa luật, TS Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường ĐH và CĐ ngoài công lập cho rằng, việc quá chi tiết trong nội dung Luật Giáo dục ĐH hiện nay bộc lộ nhiều bất cập.

Riêng với trường hợp liên quan đến chức danh hiệu trưởng một trường ĐH, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh đặt câu hỏi tại sao phải quy định rõ là người đủ chuẩn làm hiệu trưởng trước đó phải tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục ĐH ít nhất 5 năm?

Nếu họ quản lý một viện nghiên cứu hoặc một tổ chức giáo dục nào đó thì có được xét đến hay không? Như vậy, việc quá chi tiết trong luật đang thể hiện những điều chưa phù hợp với thực tế.

“Luật là một văn bản pháp quy mang tính tổng quát mà lại đưa những chi tiết như vậy vào thì chắc chắn việc này cần phải được rà soát và thay đổi. Đã là luật thì nó phải mang tính tổng quát vì nếu chi tiết quá thì sẽ rất dễ sai. Mỗi trường hợp cá biệt có thể khác nhau nên không nên có những quy định quá cứng nhắc”, bà Phương Anh phân tích.

GS Trương Nguyện Thành đã gửi lời chia tay đến tập thể cán bộ, giảng viên trường ĐH Hoa Sen.

Ông cho biết chưa có thêm thỏa thuận gì mới với trường ĐH Hoa Sen và sẽ trở về Mỹ trong thời gian tới.

Mặc dù GS Trương Nguyện Thành khẳng định không cần sự đặc cách nào nhưng nhiều người vẫn cho rằng từ vụ việc này cần có cách nhìn nhận thực tế hơn với nhiều nội dung cần sửa đổi của Luật Giáo dục ĐH hiện hành./.

Mỹ Dung/VOV-TP HCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *