(kontumtv.vn) – Nhiều ý kiến lo ngại nếu không kiểm soát tốt sẽ gây sự mất công bằng cho thí sinh và chất lượng giáo dục cũng sẽ giảm.

Tuyển sinh năm 2017, nhiều trường đại học dự kiến ngoài xét tuyển bằng kết quả thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia sẽ xét tuyển thẳng học sinh giỏi THPT và học sinh các trường THPT chuyên trên toàn quốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại nếu không kiểm soát tốt sẽ gây sự mất công bằng cho thí sinh và chất lượng giáo dục cũng sẽ giảm.
tuyen thang hoc sinh gioi thpt lo ngai vang thau lan lon hinh 1
Cần kiểm soát chặt để tránh tiêu cực trong thi cử, kiểm tra. (Ảnh: Như Ý)

 

“Chạy” học bạ đẹp!
Thực tế sau hai mùa tuyển sinh gần đây, việc một số trường đại học tổ chức sơ tuyển, xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT đã tác động tới việc dạy và học ở các trường THPT. Nếu xét tuyển bằng hình thức tuyển thẳng học sinh giỏi THPT được làm nghiêm túc thì sẽ rất tốt, tuy nhiên với tình trạng “chạy điểm”, xin điểm và bệnh thành tích nặng như hiện nay thì hậu quả sẽ rất khó lường. Mới đây, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, tỉnh An Giang đã thẳng thắn phản ánh, những thay đổi trong tuyển sinh mấy năm qua đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục THPT và từ khi có chuyện xét học bạ, điểm học sinh lớp 12 cao thấy rõ. Thực trạng này cũng được không ít hiệu trưởng thừa nhận.
Trong những ngày qua, một vụ việc đang được dư luận quan tâm, đó là phản ánh từ phụ huynh học sinh trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), về việc, nhiều học sinh có dấu hiệu được nâng điểm môn Vật lý học kỳ I năm học này. Hiện Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên Đỗ Văn Thành giải trình. Chị Thu Hương, một phụ huynh ở Hà Nội lo ngại, nếu xét tuyển thẳng học sinh giỏi thì lại đầy rẫy tiêu cực. Tỷ lệ học sinh giỏi ở THPT sẽ lại tăng cao ngất ngưởng… Hiện tượng đua nhau “làm đẹp” học bạ cho học sinh sẽ gây sự mất công bằng rất lớn cho các em trong việc xét tuyển, ảnh hưởng lớn đến chất lượng trong dạy học, cũng như thi cử…
PGS Văn Như Cương thẳng thắn cho rằng: “Tình trạng “chạy điểm”, “xin điểm”, “chạy thành tích” diễn ra thường xuyên ở bậc THPT. Trường nào cũng muốn có tỷ lệ học sinh giỏi cao, học sinh tiên tiến cao. Vì thế, nếu dùng học bạ THPT để tuyển thẳng thì chất lượng giáo dục sẽ càng giảm sút, đầu vào của các trường sẽ “vàng thau lẫn lộn”. Hơn nữa nó sẽ tạo sự bất công cho những em học giỏi thực sự. Tôi nhớ có năm chúng ta tuyển thẳng học sinh giỏi như vậy và kết quả, Hải Phòng có số học sinh được tuyển thẳng lớn gấp đôi Hà Nội, trong khi chất lượng của Hải Phòng khó có thể nói là hơn Hà Nội được. Vì thế, tôi cho rằng nếu xét tuyển thẳng như vậy chắc chắn sẽ xảy ra nhiều tiêu cực”.

 

Có thể nói, việc kiểm soát điểm tránh tiêu cực trong thi cử, kiểm tra dù được tăng cường bằng nhiều hình thức, nhưng trước nhu cầu đỗ đại học bằng mọi giá thì việc nâng điểm, sửa điểm học bạ là điều hoàn toàn vẫn có thể diễn ra ở bất cứ trường học nào.
Chất lượng về đâu?
Một giáo viên THPT ở Hà Nội cho rằng, chỉ nên tuyển thẳng các học sinh giỏi có giải tỉnh, giải Quốc gia các môn trong tổ hợp xét tuyển. Bản thân giáo viên này khẳng định, không nên xét tuyển thẳng theo học bạ. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rút kinh nghiệm những năm trước tuyển thẳng vào đại học, những em đạt bằng tốt nghiệp THPT loại giỏi mà còn không hiệu quả. Nay tuyển thẳng theo học bạ thì còn… ảo nhiều hơn nữa, không hiểu chất lượng sẽ đi đâu, về đâu.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng băn khoăn, lo ngại việc tuyển thẳng sẽ gia tăng tỷ lệ ảo cho các trường đại học. Vì thực tế, có thể thí sinh vừa nộp hồ sơ xét tuyển thẳng, vừa nộp đăng ký xét tuyển vào các trường lấy kết quả THPT quốc gia. Và như vậy cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cũng không lọc được ảo. Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, nếu các trường đua nhau xét tuyển thẳng học sinh giỏi THPT quốc gia thì chắc chắn sẽ tăng tỷ lệ ảo. Chuyên gia này khẳng định, năm 2017, Đại học Bách khoa Hà Nội chưa tuyển sinh bằng xét học bạ.

 

Theo PGS Văn Như Cương, xét học bạ là không công bằng vì học sinh giỏi của trường này, tỉnh này khi đến tỉnh khác chưa chắc đã đạt học sinh giỏi. Do chất lượng giảng dạy khác nhau nên tuy cùng là học sinh giỏi nhưng năng lực của các em ở các tỉnh cũng rất khác nhau. Nếu xét tuyển bằng hình thức tuyển thẳng học sinh giỏi THPT không làm nghiêm túc thì sẽ xảy ra nhiều tiêu cực. Hậu quả, có khi những em giỏi thực sự lại không vào được đại học, còn những em “chạy” để có học bạ đẹp lại được vào đại học. Vì thế, theo tôi vẫn cần có một kỳ thi chung để đánh giá mặt bằng kiến thức của học sinh một cách rõ ràng, minh bạch, chứ nếu xét tuyển thẳng học sinh giỏi thì chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ giảm sút.

Nguyễn Hằng/Báo TNVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *