(kontumtv.vn) – Trong triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, công tác tuyên truyền ở cơ sở khẳng định vai trò nòng cốt trong việc thông tin, định hướng để người dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng, ngừa hiệu quả.

Từ năm 2016 đến nay, xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà, Kon Tum) luôn là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao. Từ đầu năm đến nay, xã tiếp tục ghi nhận số ca sốt xuất huyết cao với trên 150 ca trong tổng số gần 340 ca toàn huyện. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế tỉnh, huyện và xã, đã huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị – xã hội tham gia tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh. Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Đăk Hring nói: “Xã đã thành lập các đội xung kích ở các thôn, hàng tuần ra quân vệ sinh ở các khu dân cư. Đồng thời triển khai các biện pháp tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh không dây của xã cũng như các thôn. Ngoài ra chúng tôi tuyên truyền bằng các hình thức lưu động, in các pano, khẩu hiệu treo những nơi đông người để bà con biết, nắm bắt được tình hình, diễn biến của dịch bệnh để chủ động phòng ngừa”.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền theo phương châm “đến từng ngõ, gõ tận nhà”, nhận thức của người dân trên địa bàn xã Đăk Hring có sự chuyển biến tích cực, nhất là tại các khu dân cư phát sinh ổ dịch, người dân đã tự giác thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Theo đó đã chủ động thực hiện tốt việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, san lấp các vũng nước đọng để muỗi không còn nơi trú ngụ, phát triển, góp phần hạn chế dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Pa nô tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại nơi công cộng
Pa nô tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại nơi công cộng

Tại xã Đăk La, huyện Đak Hà, hiện nay đang có dịch tả heo châu Phi, cùng với các hình thức tuyên truyền lưu động bằng loa phóng thanh, cấp phát tờ rơi, tài liệu hướng dẫn, để nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của người dân, xã chú trọng phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống 10 cụm loa truyền thanh không dây. Đây được xem là công cụ hữu hiệu nhất trong công tác tuyên truyền tại cơ sở, vì các thông tin, thông điệp tuyên truyền, nhắc nhở người dân được phát sóng một cách nhanh nhạy, kịp thời nhất. Ông Lê Trường Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La cho biết: “Ngoài tuyên truyền trực tiếp cũng như cán bộ xuống vận động người dân thì xã cũng có mười cụm loa truyền thanh không dây, lắp ở mười cụm thôn. Theo lịch phát sóng thì sáng từ 5h đến 7h, chiều từ 16h đến 19h đài của xã cũng liên tục tiếp sóng đài truyền thanh của huyện. Đồng thời vào buổi trưa thì xã phát các văn bản, quyết định của địa phương liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội để người dân nắm bắt được”.

Bên cạnh việc huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trên thực tế, việc phát huy vai trò của hệ thống truyền thanh không dây đã và đang đóng vai trò quan trọng, truyền tải kịp thời, chính xác các thông tin chính thống đến người dân. Hiện nay, huyện Đăk Hà có trên 140 cụm loa truyền thanh không dây, lắp đặt tại 84 thôn, tổ dân phố. Toàn bộ cụm loa này thuộc quản lý của các xã, thị trấn. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, hoạt động, nhiều địa phương còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, con người… dẫn đến hệ thống truyền thanh chưa phát huy hết vai trò, hiệu quả trong công tác tuyên truyền tại cơ sở. Ông Lê Trường Lâm nói: “Trong quá trình vận hành hệ thống loa truyền thanh không dây thì cái thứ nhất về vấn đề cán bộ thì hiện nay chỉ có một người, công việc nhiều nên quá trình soạn thảo, đưa ra các chương trình phát thanh vẫn còn hạn chế. Thứ hai là trên 10 thôn đã có 10 cụm loa thì cũng chưa đáp ứng được đầy đủ lắm vì các thôn địa bàn rất rộng, cụm loa phát không hết”.

“Để tuyên truyền nhanh nhất, hiệu quả nhất đến với người dân là qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Để thực hiện tốt điều này thì cần có sự đồng bộ giữa Đài phát thanh của xã và các cụm loa tại các thôn. Tuy nhiên, việc đầu tư lắp đặt hệ thống này vẫn chưa được đồng bộ, nên đã gây ra những khó khăn cho công tác tuyên truyền”. Ông Lê Văn Hiền,  Chủ tịch UBND xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà nêu ý kiến.

Trước những diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, chủ động của ngành chức năng, công tác tuyên truyền ở cơ sở, nâng cao nhận thức người dân đóng vai trò hết sức quan trọng giúp kiểm soát được mức độ lây lan bệnh dịch. Do đó, cần có sự quan tâm đúng mức để công tác tuyên truyền thực sự đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *