(kontumtv.vn) – Sáng 14/5, tại Phiên họp thứ 24, bên cạnh việc cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả bổ sung thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2017, đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề bức xúc mà dư luận đang quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Quý I/2018: GDP ước đạt 7,38%

Báo cáo của Chính phủ cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình KT-XH năm 2017 và Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 dựa trên đánh giá tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2017.

Đến nay, trên cơ sở tổng hợp kết quả cả năm, Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, tập trung vào những vấn đề cần đánh giá bổ sung hoặc có thay đổi so với nội dung đã báo cáo.

Cụ thể, trong tổng số 13 chỉ tiêu được Quốc hội giao, có 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tăng thêm 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội; gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch so với kết quả đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP, đánh giá lại chỉ đạt 0,5% (số đã báo cáo là 1,5%). Nguyên nhân là do chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi các dây chuyền công nghệ sử dụng ít năng lượng ở các ngành sản xuất. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, Quốc hội không yêu cầu đặt mục tiêu và đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu này hằng năm và chuyển sang đặt mục tiêu và đánh giá chỉ tiêu theo giai đoạn 5 năm.

So với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn, 4 chỉ tiêu không đổi so với số đã báo cáo Quốc hội. Riêng 2 chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP đạt thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Về tình hình KT-XH quý I, Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho biết, quý I/2018 vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2017, tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, cao nhất trong các quý I của 10 năm trở lại đây. Tăng trưởng đồng đều ở cả 3 khu vực và cao hơn mức tăng cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, cao gấp 2 lần so với mức tăng cùng kỳ; khu vực dịch vụ tăng 6,7%.

Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Chính phủ chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV.UBTVQH đề cập đến vụ án dâm ô với trẻ em tại Vũng Tàu

Các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự chuẩn bị công phu và chu đáo các báo cáo trình Kỳ họp thứ 5 lần này. Đặc biệt, phương châm hành động của Chính phủ năm 2018 là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, đã nói là sự năng động, quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Góp ý thêm về tình hình KT-XH hiện nay, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ cho rằng, kinh tế tăng trưởng khá nhưng tính bền vững chưa cao vì phụ thuộc không nhỏ vào doanh nghiệp FDI như: Samsung, Formosa…

Đặc biệt quan tâm đến các vấn đề xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, hiện nay nhân dân bất an, ra đường không yên tâm như vụ 3 người bị cướp đâm chết tối 13/5 tại TPHCM là vụ việc rất đau lòng. Phải có giải pháp trấn áp quyết liệt đối với tội phạm này. Việc tiếp dân chưa được một số bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa nghiêm để nhân dân còn phàn nàn, kêu ca.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Chính phủ đã phản ứng chính sách khá nhanh các vấn đề nóng của xã hội. Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để kiểm tra việc thực hiện các Kết luận của Lãnh đạo Chính phủ. Cắt giảm thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có bước chuyển biến mạnh mẽ. Chính phủ hoạt động công khai, minh bạch hơn, cử tri đánh giá cao việc công khai kết luận thanh tra vụ AVG, phương hướng xử lý 12 dự án lớn thua lỗ của một số bộ ngành. Đồng thời, Chính phủ khá cầu thị lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri để xử lý và đưa lại các hiệu ứng tích cực trong dư luận.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga cũng cho rằng, tình trạng phá rừng ở một số địa phương vẫn diễn ra công khai, nhất là ở Tây Nguyên khi mà Thủ tướng đã tuyên bố đóng cửa rừng. Tình trạng cháy nổ, tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm ngày càng nghiêm trọng với nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng như cháy chung cư Carina tại TPHCM, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết, gây nhức nhối trong nhân dân. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt để kiềm chế tình trạng này.

Vừa qua, ở một số địa phương xảy ra việc chấm dứt hợp đồng với viên chức ngành giáo dục, y tế gây bức xúc trong dư luận. Đề nghị các ngành cần có rà soát tổng thể, có giải pháp và hỗ trợ đối với những người này bởi cái sai là do chính quyền sai chứ không phải người lao động. Nay chúng ta đột ngột cắt hợp đồng thì họ sống sao và sẽ xảy ra các vấn đề xã hội rất lớn.

Về công tác phòng chống tội phạm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đặt vấn đề: Phải có phần đánh giá tội phạm công nghệ cao. Nhất là qua sự việc vừa qua là tội phạm lại xảy ra ngay trong cơ quan có chức năng về phòng chống tội phạm công nghệ cao. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, cần xác định rõ quản lý thế nào và trách nhiệm ra sao?

Phản ánh đến UBTVQH về phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án dâm ô với trẻ em ở Vũng Tàu, bà Lê Thị Nga cho biết, sau phiên Toà phúc thẩm, dư luận cả nước đã “dậy sóng” khi Toà phúc thẩm tuyên bị cáo chỉ còn 18 tháng tù treo với các tình tiết giảm nhẹ như là đảng viên, nguyên là cán bộ ngân hàng, người trên 70 tuổi (trong khi phiên toà sơ thẩm tuyên 36 tháng tù giam). Do vậy, bà đề nghị Viện trưởng Viện KSNDTC và Chánh án TANDTC trong thẩm quyền của mình, xem xét lại vụ án này, hạn chế tình trạng bức xúc trong nhân dân.

Đề cập đến công tác phòng chống cháy nổ hiện nay, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cử tri đã kiến nghị từ lâu về công tác phòng chống cháy nổ nhưng chúng ta không tiến hành kiểm tra đột xuất công tác này, chỉ sau khi vụ việc ở chung cư Carina tại TPHCM làm nhiều người chết thì chúng ta mới tăng cường kiểm tra đột xuất. Qua đó, phát hiện quá nhiều sai phạm trong công tác này. “Tôi mong rằng, chúng ta không để lặp lại trường hợp đau lòng liên quan đến phòng chống cháy nổ. Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện nghiêm công tác này”, Trưởng Ban Dân nguyện nói.

Về vụ án dâm ô với trẻ em đang làm nóng dư luận tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề nghị các cơ quan tư pháp vào cuộc làm rõ, trả lời cử tri và nhân dân cả nước về vụ việc này.

Lê Sơn/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *