(kontumtv.vn) – Chiều 10/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo cáo tóm tắt và thảo luận về thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên giám sát. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Nhiều thành tựu trong công tác giảm nghèo bền vững

Báo cáo kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, giai đoạn 2012 – 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 46 văn bản chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các bộ, ngành Trung ương đã ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Các địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, như: Chính sách hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo; chính sách tín dụng ưu đãi, vay vốn xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân tộc thiểu số ít người…

Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đồng bào khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đến nay, đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm trung bình khoảng 3,5%/năm. Kinh phí ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2018 là hơn 47.000 tỷ đồng. Trên 1,4 triệuhộ đồng bào dân tộc thiểu được thụ hưởng các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ 46.159 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo dân tộc thiểu số thấp hơn thu nhập bình quân đầu người cả nước. Đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, sinh kế không ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu. Nhiều chỉ tiêu của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 30a, Chương trình 135 chưa hoàn thành, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Một số mục tiêu lớn (giảm huyện nghèo, xã và thôn đặc biệt khó khăn) không đạt.

Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, diện tích đất canh tác ít, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp, địa hình chia cắt; hậu quả biến đổi khí hậu, hạn hán, thiên tai, bão lũ, lũ quét, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn kết quả giảm nghèo.

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đều đánh giá cao kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhưng vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục.

Cần có đề án tổng thể

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát, đã nêu lên thực trạng và bức tranh tổng thể về công tác giảm nghèo trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2012-2018.

Qua đó, chúng ta đã thấy những mục tiêu đặt ra đạt được kết quả rất tích cực. Hệ thống pháp luật được ban hành đã tạo cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cho đồng bào khu vực này.

Tuy nhiên, chính sách thường chậm so với đời sống. Số hộ nghèo, tỷ lệ tái nghèo của vùng dân tộc thiểu số khu vực miền núi vẫn khá cao so với các vùng khác. Việc tạo động lực cho phát triển của khu vực này là giáo dục, đào tạo nghề vẫn còn thấp so với vùng khác. Đây là những vấn đề đặt ra để công tác xoá đói giảm nghèo cần giải quyết trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc lồng ghép chính sách giảm nghèo và phối hợp liên ngành trong quá trình thực hiện còn bất cập, không khả thi cho từng vùng do chưa lấy ý kiến của địa phương hoặc lấy ý kiến nhưng cơ quan ban hành lại chưa tiếp thu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị có đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng dân tộc miền núi để giảm nghèo bền vững cho các khu vực này.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, ngoài việc quan tâm đến đời sống vật chất thì cần nâng cao, tạo điều kiện và bảo tồn hơn nữa đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. “Phải nói rằng, đời sống văn hoá tinh thần của bà con rất phong phú và hấp dẫn. Điều này phải được giữ gìn, bảo tồn và phát huy hơn nữa, bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất như ăn, mặc, ở của bà con”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhờ các chương trình này mà nhiều công trình hạ tầng cơ sở của đồng bào được cải thiện đáng kể, qua đó nâng cao đời sống cho đồng bào. Hầu hết đã có đường ô tô đến được trung tâm xã, có điện lưới và nước sạch, y tế, chuẩn về phổ cập giáo dục đã đến được với bà con. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các bộ ngành cần xem xét có bao nhiêu xã vùng miền núi đạt chuẩn nông thôn mới để có giải pháp thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần xem xét đối với các dân tộc thiểu số ít người nhất (10 dân tộc) vẫn còn tỷ lệ nghèo cao nhất để tập trung các chính sách hỗ trợ để giúp bà con vươn lên thoát nghèo, bởi đây là nhóm các dân tộc ít người nhất có tỷ lệ nghèo cao nhất so với các dân tộc khác.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần ban hành nghị quyết giám sát về vấn đề này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Phát biểu tiếp thu tại Phiên giám sát, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, Báo cáo giám sát của UBTVQH rất công phu, nghiêm túc, thẳng thắn, và khách quan.

“Chúng ta khẳng định chương trình xoá đói giảm nghèo vừa qua có những tiến bộ rõ rệt, cơ bản các chỉ tiêu đều đạt và vượt, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình với nhiều hộ gia đình viết đơn xin thoát nghèo, nhiều địa phương phát triển rất tốt bảo hiểm tự nguyện. 87 xã đạt chuẩn nông thôn mới là con số rất đáng biểu dương, khích lệ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng cuộc sống và hưởng thụ của đồng bào còn thấp, hệ số phát triển con người còn thấp, thu nhập còn chênh lệch lớn. Điều này có trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là đối với cơ quan thường trực là Bộ LĐ-TB&XH.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH xin tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu và báo cáo của Đoàn giám sát đối với vấn đề này. Qua đó, Bộ sẽ sớm xây dựng chương trình hành động cụ thể và khắc phục những hạn chế, yếu kém để có giải pháp tốt nhất để từng bước nâng cao đời sống của đồng bào.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, UBTVQH thống nhất ban hành Nghị quyết về vấn đề giảm nghèo bền vững. Sau khi Nghị quyết được ban hành, đề nghị Chính phủ cần bố trí đủ nguồn lực và kịp thời để thực hiện có hiệu quả, vùng nào khó khăn nhiều hơn thì tập trung đầu tư làm trước để đồng bào sớm thoát nghèo.

“Cần có cơ chế và chính sách để đồng bào yên tâm giữ được rừng, tập trung xây dựng xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới, chăm lo ngay các vấn đề cấp bách nhất của các dân tộc thiểu số rất ít người như dân tộc Chứt, La Hủ, Cống, Co, Khơ Mú…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ rõ.

Tăng cường tuyên truyền về chính sách của Nhà nước, phát huy được tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viênđể đồng bào hiểu, tin và làm theo chúng ta.

Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan đối với vấn đề này, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo, kết luận của cấp có thẩm quyền về nội dung này. Đặc biệt, xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách dân tộc để trục lợi và trình Báo cáo này ra Kỳ hợp thứ 8 của Quốc hội tháng 10/2019.

Tại Phiên họp, UBTVQH đã biểu quyết thống nhất ban hành Nghị quyết về việc thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018”.

Lê Sơn/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *