(kontumtv.vn) -Từ thực tế có ứng cử viên ĐBQH không đảm bảo sức khoẻ, cuối cùng bị trượt, nhiều ý kiến đề nghị nên chăng lần này những vị tiêu biểu mà tuổi cao nên “nhường” cho người trẻ, khỏe gánh vác.

Sức khỏe và độ tuổi của người ứng cử ĐBQH được nhiều người quan tâm tại Hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đối với các cơ quan tổ chức, đơn vị  ở Trung ương vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.

Ứng cử viên ĐBQH tuổi cao, sức yếu nên “nhường” cho người trẻ

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, độ tuổi chỉ quy định đối với người đang là cán bộ công chức, “người ứng cử Đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ, sinh từ tháng 5/1961 trở lại đây đối với nam, sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây đối với nữ”.

ung cu vien dbqh tuoi cao, suc yeu nen 'nhuong' cho nguoi tre? hinh 0
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam 

Theo ông Nguyễn Văn Pha, một số tổ chức thành viên của Mặt trận mà người đứng đầu quá cao tuổi, sức khỏe không đảm bảo cho cuộc “trường chinh” 5 năm thì cũng nên nghiên cứu.

“Trong nhiệm kỳ trước có một vị Chủ tịch một hội khi đi về địa phương, sức khỏe yếu quá, đi dự Hội nghị tiếp xúc cử tri không đảm bảo sức khoẻ, cuối cùng bị trượt”- ông Pha dẫn chứng.

Theo ông Pha, “có thể giới thiệu cấp phó hoặc người khác đại diện được cho tổ chức của mình thì khả năng đắc cử cao và khả năng tham gia được trong suốt quá trình nhiệm kỳ 5 năm”.

Ông Trần Tình, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, luật không quy định về độ tuổi nhưng nên chọn người khỏe, vì thực tiễn là trong kỳ bầu cử QH khoá XIII, Hội đã giới thiệu một ứng cử viên tiêu biểu nhưng tuổi cao.

“Khi đi tiếp xúc cử tri thì có nhiều ý kiến đề nghị “các cụ già rồi nên nghỉ để cho lớp trẻ làm. Khóa này, tôi nghĩ nếu những người tiêu biểu mà tuổi cao cân nhắc lại vì thực tế lần trước những vị cao tuổi không trúng cử đến 50%, như thế không hiệu quả. Nên chăng lần này những vị tiêu biểu mà tuổi cao nên “nhường” cho những người trẻ, khỏe gánh vác”- ông Trần Tình nói.

Ông Nguyễn Văn Pha cũng nêu thực tế, khóa XIII tổng số đại biểu do Trung ương giới thiệu về địa phương không trúng cử 15 người, trong đó MTTQ Việt Nam trượt 7 người trong số cơ cấu 31 đại biểu, trong khi đó khối Đảng, Nhà nước với cơ cấu 183 người chỉ trượt 8 người.

“Dẫn điều đó để khẳng định việc người cao tuổi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khả năng đắc cử thấp cũng là có cơ sở. Nhưng việc đề cử là hoàn toàn của Hội, Mặt trận không được phép áp đặt, định hướng hay giới thiệu”- ông Nguyễn Văn Pha nói.

Ông Nguyễn Văn Pha cũng cho rằng, việc ứng cử viên ĐBQH trúng cử phụ thuộc vào uy tín, khả năng vận động của người ứng cử và phụ thuộc vào lá phiếu của cử tri, còn MTTQ không có quyền được bàn và không có quyền quyết định trong việc phân bổ địa bàn ứng cử cũng như khả năng trúng cử.

Thẩm quyền chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri nơi công tác

GS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội y học Việt Nam nêu băn khoăn với những trường hợp ứng viên ĐBQH là Hội viên của hội xã hội nghề nghiệp, nhưng họ lại đang công tác ở một cơ quan, thì sự phối của cơ quan ứng cử viên đang công tác phối hợp với hội xã hội nghề nghiệp đến đâu và trách nhiệm như thế nào?.

ung cu vien dbqh tuoi cao, suc yeu nen 'nhuong' cho nguoi tre? hinh 1
Hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đối với các cơ quan tổ chức, đơn vị  ở Trung ương 

Ông Pha lấy ví dụ cụ thể cho biết, “chẳng hạn Tổng hội y học Việt Nam định giới thiệu một bác sĩ, nhưng bác sĩ này lại làm việc ở một cơ quan khác thì việc giới thiệu bước 1 của Tổng hội. Sau đó, lãnh đạo Tổng hội sẽ làm việc với đơn vị bác sĩ đó đang làm việc để thống nhất vì Tổng hội lấy người của họ để đại diện cho mình. Sau đó việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác chính là nơi người đó đang làm việc. Nếu ở đó quá bán thì họp Ban Thường vụ mở rộng của Tổng hội mở rộng để giới thiệu”.

Về thẩm quyền chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri nơi công tác, ông Nguyễn Văn Pha cho biết, nếu người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác chuyên trách tại cơ quan Đảng các cấp thì ban lãnh đạo cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hoặc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ở những nơi đã có Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội). Người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp các cấp thì ban lãnh đạo của tổ chức triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các đơn vị vũ trang nhân dân thì do lãnh đạo, chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị…/.

Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *