(kontumtv.vn) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này trong buổi tiếp Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Anthony Lake, ngày 9/6 (giờ địa phương), tại trụ sở Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, New York (Hoa Kỳ).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ Anthony Lake. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng nhấn mạnh với lịch sử quan hệ tốt đẹp lâu dài với UNICEF, Việt Nam luôn coi UNICEF như một đối tác phát triển hết sức quan trọng đã có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của Việt Nam và trẻ em Việt Nam, góp phần thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs).

Trong thời gian tới, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNICEF sẽ có nhiều cơ hội thắt chặt hơn nữa khi thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững, triển khai Luật Trẻ em, cùng với đó, hai bên đang xây dựng chương trình hợp tác giai đoạn 2017-2021.

Khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), trong đó có các mục tiêu liên quan đến trẻ em, Phó Thủ tướng mong muốn UNICEF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khắc phục những điều kiện khó khăn về y tế, giáo dục; khắc phục hạn chế trong việc hoạch định, triển khai các chính sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng như sự chênh lệch về tình trạng dinh dưỡng giữa các nhóm xã hội và các khu vực địa lý khác nhau.

Thông báo với Giám đốc điều hành UNICEF một số điểm mới nổi bật trong Luật Trẻ em được Quốc hội Việt Nam thông qua tháng 4/2016 và có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, Phó Thủ tướng cho biết  bộ luật đã tính đến nhiều khuyến nghị do UNICEF đưa ra trong quá trình xây dựng, như: Quy định thêm các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em bị bóc lột, trẻ em bị mua bán, trẻ em di cư…; quy định cụ thể các yêu cầu bảo vệ trẻ em, các cấp độ bảo vệ trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng; bổ sung các nguyên tắc được quy định tại Công ước của LHQ về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế về tư pháp đối với trẻ em mà Việt Nam là thành viên…

Việt Nam mong muốn UNICEF tiếp tục hợp tác, hỗ trợ trong quá trình thực hiện Luật Trẻ em.

Liên quan đến chương trình hợp tác Việt Nam-UNICEF giai đoạn 2017-2021, Phó Thủ tướng bày tỏ ủng hộ quan điểm xây dựng chương trình trên cơ sở lồng ghép các ưu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực trẻ em và các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững liên quan đến trẻ em.

Trong đó, những hướng ưu tiên hợp tác cụ thể là: Tiếp tục xây dựng và triển khai các chính sách, pháp luật về trẻ em; xây dựng và thực hiện các kế hoạch/chương trình/dự án/hoạt động hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến trẻ em; hội nhập quốc tế về quyền trẻ em.

Tại cuộc gặp, ông Anthony Lake bày tỏ ấn tượng đối với sự phát triển của Việt Nam những năm qua, nhất là khi các thành quả kinh tế-xã hội đã được dành phần lớn cho những đối tượng khó khăn, người nghèo, nhóm yếu thế, đặc biệt là trẻ em. Qua đó, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các hoạt động bảo vệ quyền trẻ em; hỗ trợ, đáp ứng những yêu cầu cơ bản của trẻ em và mở rộng các cơ hội phát triển cho trẻ em.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ Anthony Lake. Ảnh: VGP/Đình Nam

Trong khuôn khổ Sáng kiến Một LHQ được khởi động từ năm 2006 với kế hoạch chung hợp tác giữa Việt Nam và LHQ 2012-2016, UNICEF đã đóng góp vào nỗ lực giảm tỉ lệ nghèo ở trẻ em; tăng cường tiếp cận các dịch vụ thiết yếu có chất lượng và bảo trợ xã hội như phòng chống bệnh tật, tiếp cận nguồn nước sạch, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, đặc biệt đối với trẻ em nông thôn và dân tộc thiểu số…

UNICEF dành ưu tiên hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi của trẻ em, đồng thời giám sát việc bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em…

Ông Anthony Lake cho biết UNICEF sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chăm sóc trẻ em, kết hợp cả các biện pháp hỗ trợ và việc tư vấn xây dựng chiến lược chính sách có ý nghĩa lâu dài trên các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Đình Nam/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *