(kontumtv.vn) – Nhằm góp phần cùng với địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã ưu tiên giải ngân nguồn vốn kịp thời cho các hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện chủ trương phát triển cây dược liệu của huyện, gia đình chị Y Blút (thôn Tu Bung, xã Ngọc Lây) được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Có nguồn vốn, năm 2016, gia đình chị đã trồng được 4 sào sâm dây và 2 sào đương quy. Nhờ đó gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định. Chị Y Blút nói: “Tôi vay được 50 triệu, xong tôi mua giống sâm dây với đương quy,  một năm tôi thu được 20 đến 30 triệu đồng. Cuộc sống tôi bây giờ cũng ổn định rồi, tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào sâm dây, đương quy”.

Hộ nghèo phát triển cây cà phê nhờ vốn vay ưu đãi
Hộ nghèo phát triển cây cà phê nhờ vốn vay ưu đãi

Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác vay vốn để triển khai các biện pháp đưa chính sách tín dụng xuống cơ sở, cơ bản đáp ứng nhu cầu về sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Tính đến nay, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 173 tỷ đồng, với hơn 6.700 khách hàng còn dư nợ, thông qua 137 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, cho vay chương trình hộ nghèo chiếm tỷ lệ lớn, với hơn 100 tỷ đồng. Ông Trương Quang Tri, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Trong những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện luôn bám sát chỉ đạo của Ngân hàng CSXH tỉnh, của Huyện ủy, HĐND, UBND tỉnh để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Đặc biệt, qua 11 điểm giao dịch xã, hàng tháng Ngân hàng tổ chức giao dịch tại xã để cung cấp các dịch vụ ngân hàng, giải ngân, cho vay, thu nợ để tiết kiệm chi phí đi lại cho bà con trong việc mà trả nợ lãi gốc, cũng như các dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội”.

Ngoài việc sử dụng nguồn vốn để phát triển các loại cây công nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh, các hộ nghèo được vay vốn còn tập trung đầu tư vào phát triển các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương như hồng đẳng sâm, sâm Ngọc Linh và cây đương quy. Ông A Mốc (thôn Măng Rương 1, xã Ngọc Lây) nói: “Kinh tế gia đình tôi trước giờ chỉ dựa vào nương rẫy, trồng mì, do đó hiệu quả không cao. Tôi đã được tổ tiết kiệm của thôn bình xét cho tôi vay Ngân hàng CSXH huyện, với số tiền là 50 triệu đồng. Tôi đã đầu tư mua giống cây cà phê về trồng, năm thứ 3 tôi đã thu được 4 tấn. Ngoài ra, vốn còn lại tôi mua cây đương quy về trồng khoảng 2 sào, sâm dây mỗi thứ một ít. Nhờ vốn đó gia đình tôi đã có được thu nhập, cuộc sống gia đình cũng ổn định”.

“Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn xã trên 10 tỷ đồng, so với từ đầu năm đến nay thì từ tháng 1 đến gần cuối năm tăng lên khoảng 1,7 tỷ, số hộ vay khoảng 350 hộ. Từ cây giống rồi phân bón, các nguồn hỗ trợ khác thì cơ bản bước đầu cũng dần có những chuyển biến tích cực về thu nhập của bà con”. Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các tổ chức hội, đoàn thể, nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông đã được các hộ vay sử dụng đúng mục đích, từng bước phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng và góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã góp phần tăng số hộ thoát nghèo trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông qua từng năm, cụ thể năm 2016 có 365 hộ thoát nghèo, năm 2017 có 400 hộ thoát nghèo.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *