(kontumtv.vn) – Sau khi nghe các Báo cáo của Chính phủ, trong phiên họp sáng nay, Quốc hội đã nghe Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2018; và Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Các Báo cáo trên do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày.

Qua nghiên cứu báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, về cơ bản, Báo cáo của Chính phủ đã được chuẩn bị nghiêm túc, phản ánh kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN và đề ra các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, tồn tại trong công tác PCTN vẫn chưa có giải pháp để khắc phục triệt để; Báo cáo vẫn chưa tách bạch được sai phạm về tham nhũng với các sai phạm khác được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Qua đó, tháo gỡ nhiều rào cản trong sản xuất, kinh doanh, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, chặt chẽ hơn, góp phần tích cực vào công tác PCTN.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp vẫn còn chậm, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Vẫn còn một số văn bản quy định chưa rõ ràng, thiếu khả thi, chồng chéo, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, nhưng chưa được kịp thời sửa đổi…

​Đánh giá về việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, công tác này cũng còn những hạn chế: một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chậm cải cách thủ tục hành chính; chưa thực hiện nghiêm việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đáng lưu ý còn tồn tại việc cắt giảm mang tính chất gộp cơ học để giảm về số lượng, việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính ở một số nơi còn “nửa vời”; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn diễn ra, nhưng một số trường hợp xử lý chưa nghiêm, gây bức xúc trong dư luận.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày các Báo cáo thẩm tra. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Công tác phòng, chống tội phạm chuyển biến tích cực

Thẩm tra về Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định: năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, đã giải quyết những điểm nóng về an ninh, trật tự do các đối tượng phản động kích động, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Xử lý nghiêm nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao có hành vi phạm tội, tiếp tay, bao che cho các đối tượng phạm tội…

Tuy nhiên, qua giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh tới 8 vấn đề còn tồn tại. Mặc dù tội phạm được kiềm chế trên nhiều lĩnh vực nhưng lại gia tăng về số người chết do hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội (1.451 người chết, tăng 3,9%); một số loại tội phạm tăng như: cướp tài sản tăng 5,1%, giết người tăng 3,9%, trong đó có một số vụ án giết nhiều người với thủ đoạn dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.

Công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở nên đã để xảy ra một số vụ án có sự tham gia của một số sỹ quan cấp cao trong lực lượng Công an. Một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sơ hở trong quy trình tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 để sửa điểm, làm sai lệch kết quả thi ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, gây bất bình trong xã hội, làm mất lòng tin của người dân, nhất là học sinh về sự công bằng, nghiêm minh, khách quan của kỳ thi.

Các loại ma túy mới liên tục xuất hiện, trong đó có nhiều loại mạnh, cực độc gây tác hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc phát hiện, nhận diện loại ma túy mới còn nhiều hạn chế. Việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để một số đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự đã xảy ra từ nhiều năm trước, đã được Uỷ ban Tư pháp kiến nghị trong Báo cáo thẩm tra từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp để khắc phục triệt để. Tình trạng mua bán người đã xảy ra ở cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em ở các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số bị mua bán ra nước ngoài; hiện nay vẫn còn 519 nạn nhân chưa được giải cứu.

Tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng đã được đẩy nhanh

Thẩm tra về Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, năm 2018, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn được thực hiện cơ bản đúng pháp luật. VKSND các cấp đã kiểm sát 100% các vụ án ngay từ khi khởi tố; kịp thời yêu cầu hủy bỏ, thay đổi, bổ sung nhiều quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Chủ động ban hành nhiều yêu cầu điều tra; tỷ lệ yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố tăng 31,2%. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh đạt 99,9%, vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 37 của Quốc hội. Công tác giải quyết án tham nhũng được VKSND chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực, đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Tuy nhiên, một số VKSND chưa kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác về tội phạm, dẫn tới còn để 3.368 tố giác vi phạm thời hạn giải quyết, tăng 193%. Vẫn còn 39 trường hợp VKSND đã phê chuẩn bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ sau đó phải trả tự do, không xử lý hình sự. Chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu. Còn 24 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố, có trách nhiệm của Viện kiểm sát. Vẫn còn để xảy ra 10 trường hợp VKSND phải rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa, trong đó có 3 trường hợp bị oan.

Đề cao hơn nữa trách nhiệm thẩm phán

Thẩm tra Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành Tòa án nhân dân (TAND), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, năm 2018 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được nâng lên. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc cho các bị cáo hưởng án treo đúng pháp luật (đạt 99,3%). Việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ bảo đảm đúng pháp luật (đạt 99,3%).

TAND các cấp đã khẩn trương đưa ra xét xử 200 vụ án tham nhũng với 472 bị cáo (tăng 39 bị cáo). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết số 111 của Quốc hội. Đặc biệt, TANDTC đã tiến hành công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, qua đó buộc mỗi Thẩm phán phải đề cao hơn nữa trách nhiệm; bố trí lại phòng xử án theo yêu cầu cải cách tư pháp, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp Tòa án tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội; 86 trường hợp phải hủy án, 149 trường hợp phải sửa án. Còn 117 trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định, thậm chí, có trường hợp tuyên án treo gây bất bình trong dư luận (vụ Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô với trẻ em xảy ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Theo Báo cáo của VKSNDTC, Viện kiểm sát đã ban hành 760 kiến nghị đối với TAND yêu cầu khắc phục các vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Về công tác giải quyết án hành chính, năm 2018, số lượng các vụ án hành chính được TAND các cấp thụ lý tăng 26,8%. Việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện được các Tòa án chú trọng. Mặc dù tỷ lệ thụ lý án tăng cao nhưng tỷ lệ bản án bị hủy do nguyên nhân chủ quan giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ xét xử còn thấp (chỉ đạt 50%). Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan (chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết số 111 của Quốc hội, hủy: 3,03%; sửa: 3,34%).

Số án tồn đọng chuyển kỳ sau vẫn ở mức cao

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án cho thấy, Chính phủ đã triển khai và chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ. Mặc dù số vụ việc phải thi hành án tăng cao nhất từ trước đến nay, nhưng đã thi hành xong 80,3% về việc và 38,4% về tiền trong số có điều kiện thi hành; số vụ việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết đạt 97,1%. Tuy nhiên, số án tồn đọng chuyển kỳ sau vẫn ở mức cao và tăng. Việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án trọng điểm kết quả rất thấp; kết quả thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng vẫn đạt tỷ lệ thấp và giảm. Công tác chuyên môn, nghiệp vụ còn để xảy ra nhiều vi phạm.

Về công tác thi hành án phạt tù, Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, năm 2018, công tác thi hành án phạt tù tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các cơ sở giam giữ không xảy ra việc phạm nhân gây rối; công tác khám chữa bệnh được tăng cường nên số phạm nhân chết tại các cơ sở giam giữ giảm; số phạm nhân xếp loại giáo dục cải tạo tốt, khá đều tăng. Tuy nhiên, số người bị kết án phạt tù nhưng chưa áp giải thi hành án và đang ở ngoài xã hội còn nhiều (hiện còn 5.279 người). Vẫn để xảy ra 20 vụ phạm nhân trốn khỏi cơ sở giam giữ; có 3.529 lượt phạm nhân vi phạm kỷ luật và 30 phạm nhân phạm tội mới.

Xuân Tuyến/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *