(kontumtv.vn) – Kiến trúc trong xây dựng là một yếu tố quan trọng trong giai đoạn phát triển đô thị hiện nay, góp phần xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Kiến trúc là một bộ phận của văn hóa. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những kiến trúc truyền thống với những nét đặc trưng riêng của mình. Nét đặc trưng đó được thể hiện trong bố cục không gian kiến trúc, trong việc sử dụng vật liệu để tạo nên công trình kiến trúc, với trình độ khoa học, tư duy thẩm mỹ. Những nét đặc trưng đó toát lên từ tỷ lệ hình khối, kết cấu đến các thành phần chi tiết, các hoa văn trang trí, màu sắc nội ngoại thất công trình. Và chính từ những yếu tố đó, công trình trở thành tiêu biểu, dấu ấn của thời đại, phản ánh các đặc thù về kinh tế, chính trị, xã hội của dân tộc theo từng giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội. Kiến trúc sư Đỗ Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Kon Tum nói: “Bản chất của kiến trúc là đóng góp cho sự phát triển của xã hội, kiến trúc chúng ta làm tốt thì nó là đặc trưng của một thời kỳ, như thời kỳ phục hưng, thời kỳ kiến trúc gotic. Ngược lại lịch sử kiến trúc đóng góp sự tồn tại trong một thời kỳ, thể hiện thời đại đó, nếu chúng ta làm tốt thì nó có những công trình thuộc về bản sắc, thuộc về công trình văn hóa lưu lại cho hậu thế, cho nên nó có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thế nên trong quá trình chỉ đạo thực hiện, trong giới hành nghề luôn luôn ý thức được trách nhiệm của mình để làm sao đó luôn luôn đổi mới, sáng tạo, đồng hành với dân tộc để tạo nên bản sắc riêng của Kon Tum mình, có những nét riêng của Kon Tum”.

Quán cà phê Indochine - TP. Kon Tum sử dụng nguyên liệu tre
Quán cà phê Indochine (TP. Kon Tum) sử dụng nguyên liệu tre

Đối với Việt Nam, tổng thể kiến trúc của mỗi vùng và đô thị phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, dân số, xã hội, trình độ khoa học, kỹ thuật, truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương và các đồ án quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hình thành kiến trúc đô thị phải coi trọng nguyên tắc gắn công trình riêng lẻ với tổng thể kiến trúc của đô thị; đảm bảo kết hợp hài hoà giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Với nhu cầu cuộc sống tăng lên, xu hướng kiến trúc và xây dựng công trình xanh ngày càng phát triển và phổ biến hơn tại Việt Nam. Đối với tỉnh Kon Tum, đã có nhiều công trình kiến trúc xanh được người dân, các tổ chức lựa chọn xây dựng mang đậm nét văn hóa dân tộc. Kiến trúc sư Đỗ Hoàng Liên Sơn cũng cho biết: “Trong quá trình thực hiện duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta cũng tiếp thu những nền kiến trúc hiện đại, tư tưởng mới, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương, chúng ta không bảo thủ, không đóng khung, luôn luôn sáng tạo nhưng hành nghề phải gắn với điều kiện của dân tộc mình và tiếp thu kiến trúc của thời đại để phù hợp với nhu cầu, xu thế hội nhập chung của thế giới. Xu thế thế giới thì hiện nay chống biến đổi khí hậu, góp phần vào mục tiêu thiên niên kỷ, trong giới kiến trúc có đề ra kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường, tạo ra sự thư giãn, thư thái, bền vững”.

Rõ ràng những bản sắc truyền thống kiến trúc Việt Nam đang đổi mới, song cũng cần tiếp thu phát triển những mặt tích cực, hạn chế những vấn đề chưa phù hợp, để tạo ra những truyền thống mới cho giai đoạn hiện nay của kiến trúc hiện đại Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế mà vẫn phát huy được bản sắc dân tộc.

Ngọc Chí – Thanh Hà 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *