(kontumtv.vn) – Chủ trương thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum được đánh giá sẽ là giải pháp hiệu quả giúp tháo gỡ những khó khăn về vốn, nguồn giống, công tác quản lý thị trường đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh giai đoạn hiện nay. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Trung Kim, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Vận động thành lập Hiệp hội sâm Ngọc Linh Kon Tum.

PV: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay. Đầu tiên xin ông cho biết về chủ trương thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum?

Ông Huỳnh Trung Kim: Hiện nay thực trạng sâm giả, sâm kém chất lượng là nỗi bức xúc của người tiêu dùng. Trong thời gian qua, quá trình sản xuất, quản lý, lưu thông sâm Ngọc Linh còn nhiều mặt hạn chế. Đứng trước thực trạng này, ngoài việc chúng ta phải tập trung quy hoạch, phát triển sâm Ngọc Linh thì cần có những giải pháp quản lý hữu hiệu để quản lý tốt, bảo đảm danh tiếng, chất lượng sâm Ngọc Linh. Để đáp ứng yêu cầu đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum trong thời gian vừa qua cũng đã có chủ trương xúc tiến thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở KH&CN đã phối hợp với các ngành liên quan chuẩn bị xong hồ sơ, thủ tục tham mưu UBND tỉnh thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Dự kiến, nếu không có gì trở ngại thì có thể trong tháng 6 này, UBND tỉnh cho phép thành lập thì Ban Vận động sẽ xúc tiến, tiến hành đại hội.

Ông Huỳnh Trung Kim trả lời phỏng vấn của PV
Ông Huỳnh Trung Kim trả lời phỏng vấn của PV

PV: Thưa ông, ý nghĩa, mục đích và nhiệm vụ của Hiệp Hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum khi thành lập là gì?

Ông Huỳnh Trung Kim: Việc thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp tất cả những người, tổ chức, cá nhân có những hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh Kon Tum. Hiệp hội sẽ đoàn kết, tập hợp, hỗ trợ hội viên trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh sâm Ngọc Linh; hỗ trợ hội viên từ khâu chọn giống đến áp dụng các quy trình bắt buộc rồi xây dựng, áp dụng quy chuẩn sâm Ngọc Linh. Hiệp hội sẽ đại diện các hội viên đứng ra làm đơn xin và giao quyền chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh đối với sản phẩm sâm củ. Và sau khi được Nhà nước giao quyền chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh thì Hiệp hội có nhiệm vụ xây dựng quy chế kiểm soát, quản lý nội bộ đảm bảo các hội viên trong quá trình sản xuất sâm đảm bảo vùng chỉ dẫn địa lý, thứ hai là đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng khi đưa ra thị trường, cùng với các cơ quan nhà nước tham gia vào việc chống sâm giả, sâm kém chất lượng, làm sao bảo vệ được danh tiếng và chất lượng sâm Ngọc Linh Kon Tum.

PV: Vâng, rõ ràng Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum ra đời thì có đóng góp rất lớn trong công tác bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum. Và người tiêu dùng sẽ được lợi như thế nào từ sự ra đời của Hiệp hội?

Ông Huỳnh Trung Kim: Hiệp hội ra đời là một tổ chức làm nòng cốt trong quản lý sản xuất và kinh doanh sâm Ngọc Linh. Quản lý từ khâu chọn giống, giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định và áp dụng quy trình sản xuất bắt buộc rồi kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau để đảm bảo sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, đảm bảo sâm Ngọc Linh đạt các tiêu chuẩn đề ra. Cái thứ hai nữa khi được giao quyền chỉ dẫn địa lý, những sản phẩm sâm Ngọc Linh được trồng ở vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và đạt yêu cầu về tính chất, tiêu chuẩn đã được xây dựng thì sẽ được Hiệp hội cấp tem và logo chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm đó. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phân biệt được đâu là sâm Ngọc Linh đảm bảo tính chất và tiêu chuẩn, đâu không phải là sâm Ngọc Linh hoặc sâm Ngọc Linh không đạt tiêu chuẩn. Như vậy không những Hiệp hội bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh trong hiệp hội mình, mà còn góp phần tích cực bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

PV: Trong thời điểm hiện nay, việc thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum gặp những khó khăn cũng như thuận lợi như thế nào?

Ông Huỳnh Trung Kim: Trong thời gian cũng rất ngắn thôi, sau khi Sở KH&CN tham mưu, đề xuất, UBND tỉnh đã có chủ trương thành lập. Về việc vận động các tổ chức, hội viên sản xuất sâm vào Hiệp hội hiện nay cũng rất là đông, rất thuận lợi. Nòng cốt của Hiệp hội là Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, các hộ sản xuất trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, đặc biệt là hai xã trong vùng chỉ dẫn địa lý thì cũng tích cực nộp đơn đăng ký tham gia thành lập hội. Danh sách hội viên cũng gần 100. Nói chung bước đầu trong quá trình tiến hành xúc tiến thành lập thì chưa có khó khăn gì.

PV: Vâng, xin cám ơn ông về cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Tấn Thành 

Phản hồi

Trả lời A Béc Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *