(kontumtv.vn) – Chiều 22/1, tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội làm việc tại Hội trường thảo luận về các văn kiện. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Chủ tịch nước điều hành phiên thảo luận.

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đọc tham luận tại Đại hội. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận về chủ đề “Vận dụng sáng tạo học thuyết về chủ nghĩa xã hội vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta”.

Tham luận nêu rõ, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, trải qua 30 năm đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và cũng đã chứng minh rằng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là phù hợp với khát vọng của toàn dân, là nguồn sức mạnh tạo nên sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân.

“Độc lập dân tộc là tiền đề, điều kiện để xây dựng đất nước XHCN và CNXH là cơ sở, nền tảng bảo đảm vững chắc nền độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”, đồng chí Tạ Ngọc Tấn nói.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn cũng cho rằng sự phát triển của đất nước trong điều kiện hiện nay hơn lúc nào hết đòi hỏi phải có một mô hình CNXH của riêng Việt Nam, vừa phản ánh những giá trị phổ quát của CNXH, vừa phản ánh những đặc điểm đặc thù của Việt Nam, được thể hiện bằng những đặc trưng bản chất của xã hội XHCN của Việt Nam, các phương hướng cơ bản để hiện thực hóa đặc trưng, các giải pháp, cách thức tiến hành mang ý nghĩa đột phá…

Việc xác định rõ các tiêu chí bằng định tính, định lượng cho CNXH ở Việt Nam cũng đòi hỏi phải phân tích đầy đủ, sâu sắc các mối quan hệ, bối cảnh quốc tế và trong nước, dự báo khoa học các xu thế, triển vọng, những thời cơ, thách thức đang đặt ra.

“Thực tiễn của công cuộc Đổi mới trong 30 năm đã cho thấy, nhiều vấn đề lý luận mới, chưa từng có đã được tổng kết từ thực tiễn và đưa vào áp dụng trong thực tế, mang lại những hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn như: khoán trong nông nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đảng viên làm kinh tế, kinh tế hàng hóa đa thành phần đến kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN”, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nói.

Tuy nhiên, thực tiễn công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay đang đặt ra hàng loạt vấn đề nóng bỏng cần phải được giải thích, làm rõ bằng lý luận.

“Phát triển đất nước theo định hướng XHCN đòi hỏi phải kết hợp thường xuyên giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Đồng thời, đổi mới chính trị phải nhằm mục tiêu giữ vững định hướng XHCN, bảo đảm sự phát triển bền vững của chế độ. Cụ thể hóa để giải quyết mối quan hệ này đang là vấn đề có ý nghĩa bức thiết hiện nay ở nước ta”, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nói.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, quán triệt và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội đòi hỏi trước hết phải quán triệt những quan điểm có giá trị phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và về con đường đi lên CNXH, trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu các thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đọc tham luận tại Đại hội. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân 

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tham luận về vấn đề “Tòa án nhân dân tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Bản tham luận nhận định cùng với những kết quả tích cực đã đạt được qua 30 năm đổi mới đất nước, Chiến lược cải cách tư pháp, đặc biệt là việc thực hiện chương trình trọng tâm cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011-2015 đã đạt được những thành tựu rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Qua đó, càng khẳng định rõ đường lối, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng là hoàn toàn đúng đắn trong tiến trình xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa – Nhà nước của dân, do dân, vì dân; luôn đề cao việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tư pháp còn chậm. Chất lượng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, luật sư, bổ trợ tư pháp còn chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, oan sai, bỏ lọt tội phạm… cần tiếp tục nghiên cứu định hướng xây dựng một nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.

Để thống nhất nhận thức, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn 2016-2020 tới đây, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đề nghị một số biện pháp, trong đó sớm bổ sung biên chế Thẩm phán, công chức cho Tòa án nhân dân các cấp trong cả nước; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện về thể chế cụ thể hóa Hiến pháp, thể hiện sự kiểm soát trong hoạt động tư pháp giữa các cơ quan có hoạt động tư pháp.

Bên cạnh đó, cần tổng kết lý luận và thực tiễn, nhất là tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, về việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức Đảng trong các Tòa án nhân dân theo hướng vừa đảm bảo thực hiện đúng đắn Điều lệ và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, vừa đảm bảo phù hợp với nguyên tắc độc lập xét xử và các nguyên tắc cơ bản khác liên quan đến Tòa án nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Xuân Tuyến/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *