(kontumtv.vn) – Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn là một trong những yếu tố chiến lược, có vai trò rất quan trọng đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. 63 năm đã trôi qua, những người lính năm xưa từng tham gia Đoàn 559 nay tóc đã bạc, nhưng những ký ức một thời mở đường Trường Sơn vẫn in đậm trong trái tim họ.

Năm 1966, theo tiếng gọi của Tổ quốc, cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi ở phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 5, công binh BT 31 thuộc Đoàn 559 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các binh trạm, hỗ trợ cho các chuyến xe vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường Miền Nam. Trong những lần làm nhiệm vụ ấy, đã không ít lần ông bị thương bởi bom đạn của Mỹ – Ngụy. Thế nhưng, vượt qua mọi hi sinh, gian khổ, ông luôn sát cánh cùng các đồng đội liên tục ngày đêm bảo đảm cho tuyến đường Trường Sơn được thông suốt. Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi bày tỏ: “Không phải là ổ gà nữa mà là ổ voi, đi dưới lòng suối, tức là không có đường, cứ chỗ nào rừng rậm là đi, lực lượng lái xe thì mỏng nhưng công việc thì nhiều, đó cũng là một trong những khó khăn, nói về khó khăn thì không thể nói hết được nhưng cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành được nhiệm vụ, đó cũng là dấu ấn ghi nhận được” .

Là người trực tiếp tham gia mở, bảo vệ nhiều tuyến đường phía Tây Trường Sơn, cựu chiến binh Tạ Công Trình ở phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum không ít lần chứng kiến các đồng đội của mình hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các binh trạm. Ông Trình nhớ lại, vào mùa mưa, bình quân mỗi ngày ông và các đồng đội chỉ có 15g muối và 3 lạng gạo để ăn, về mùa khô thì lúc nào cũng đối diện với máy bay, bom đạn. Không thể nhớ hết bao nhiêu lần đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết, với ông Trình, những giây phút hiểm nguy mãi khắc ghi trong tâm trí. “Tôi còn nhớ là năm 1968 là một tiểu đoàn, toàn là những anh lính trẻ ở Hà Nội và các trường đại học tình nguyện ra nhập ngũ, tiểu đoàn đó vừa được tuyên dương là tiểu đoàn anh hùng thì hành quân tới trọng điểm Pô Phiêng là đêm hôm ấy máy bay thả pháo sáng rồi thả bom, một quả bom rơi đúng chiếc xe đó… 21 người rơi xuống vực là hết luôn”, ông Trình kể.

Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị thành lập vào ngày 19/5/1959 để xây dựng tuyến chiến lược chi viện cho cách mạng miền Nam và hai nước bạn Lào, Campuchia. Trong vòng 16 năm kể từ ngày thành lập, bộ đội Trường Sơn đã cùng quân và dân các chiến trường từng bước xây dựng con đường thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, vững chắc, xuyên qua 21 tỉnh trên lãnh thổ ba nước với tổng chiều dài 20.000 km đường ôtô, 600km đường sông, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu… tổ chức vận chuyển hơn 2 triệu quân vào, ra chiến trường; hơn một triệu tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa… góp phần quan trọng làm nên chiến thắng 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hi sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam của địch. Ước tính, trong suốt 16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, Mỹ-Ngụy đã huy động khoảng 733.000 lượt máy bay các loại, thực hiện khoảng 152.000 trận oanh kích; trút xuống tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn nhằm phá nát mạng lưới giao thông quân sự chiến lược này. Nhưng dù hiểm nguy gian khó, các lực lượng công binh hỏa tuyến mà chủ lực là những người lính Trường Sơn vẫn kiên cường bám trụ, giành giật từng mét đường với quyết tâm “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”. Ông Lưu Văn Lộc, Cựu chiến binh tiểu đoàn D5, Trung đoàn 285, hiện ở phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum cho hay: “Trong đầu của lớp trẻ ngày đó là quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, dù có chết trước mắt vẫn sẵn sàng lao vào chỗ chết để tìm được độc lập, tự do, giải phóng miền Nam, lúc đó không suy tính không suy nghĩ gì, kêu lúc nào đi lúc đó, kêu đêm thì đi mà kêu ngày thì đi” 

Suốt 16 năm kể từ khi thành lập, con đường Trường Sơn huyền thoại và các chiến sĩ Đoàn 559 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trên con đường ấy gắn với kỷ niệm của hàng nghìn chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Với họ, được sống, chiến đấu trên con đường Trường Sơn huyền thoại là một vinh dự lớn lao trong cuộc đời./.

Đăng Huy – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *