(kontumtv.vn) – Trong khi Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền mà không có một cơ sở nào, thì Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử, căn cứ pháp lý chứng minh chủ quyền của mình và sự vi phạm của Trung Quốc.

Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tới 80 hải lý và cách đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi 120 hải lý một lần nữa khẳng định chính sách của Trung Quốc là luôn muốn nuốt trọn biển Đông bằng những lập luận vô căn cứ và hành động mang tính khiêu khích, đe dọa. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật quốc tế, sự việc chỉ có thể giải quyết vấn đề bằng đối thoại và hòa bình và Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện điều này.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam rõ ràng vi phạm công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Theo đó, Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.

Mặc dù tuyên bố nêu rõ: tất cả các bên cam kết kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, nhưng hành động của Trung Quốc rõ ràng là đã làm phức tạp tình hình và gây bất ổn ở khu vực biển Đông. Việt Nam sẽ căn cứ vào những cơ sở pháp lý này để tiếp tục thông tin rộng rãi cho các nước, dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Tàu Trung Quốc tiếp tục hung hăng, xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam sáng 12/5. Ảnh: Xã luận

PGS.TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên – Huế cho biết: “Bắt đầu từ khi Gia Long lên tái lập đội Hoàng Sa thời Minh Mạng, chúng ta đã biết Gia Long cắm lá cờ đầu tiên tại HS 1816. Đến bây giờ người ta đã thống kê có 18 văn bản là cơ sở xác lập chủ quyền của Việt Nam, trên thế giới chưa có nước nào có đầy đủ bằng chứng pháp lý như của Việt Nam, Trung Quốc 1909 mới có nhưng cũng chưa có bản đồ nào về mặt Nhà nước”.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng công tác sinh viên, trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM nêu ý kiến: “Một trong những phương thức để đảm bảo quyền thực thi luật quốc tế hiện nay là sử dụng dư luận tiến bộ thế giới ủng hộ lẽ phải, luôn muốn duy trì trật tự pháp lý một cách tốt nhất nên chắc chắn dư luận quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam. Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam có cơ hội để chiến thắng trên nhiều diễn đàn khác nhau để bảo vệ quyền của mình”.

Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc đưa giàn khoan cùng rất nhiều tàu vào vùng biển của Việt Nam cho thấy Trung Quốc đang chính trị hóa lộ rõ mưu đồ độc chiếm biển Đông, ngang ngược hiện thực hóa đường lưỡi bò vốn đã bị rất nhiều quốc gia lên tiếng phản đối. Trong khi Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền mà không có một cơ sở nào, thì Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử, căn cứ pháp lý chứng minh chủ quyền của mình và sự vi phạm của Trung Quốc. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và Việt Nam chắc chắn sẽ thắng.

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Luật Quốc tế, khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM cho rằng: “Đáy biển, các quốc gia được quyền thiết lập quyền chủ quyền, tài phán nằm bên ngoài lãnh hải (thềm lục địa), cụ thể toàn quyền quyết định khoan thăm dò khai thác dầu khí, nếu không khai thác thì không có bất kỳ một quốc gia vào tiến hành, muốn làm thì phải có sự đồng ý hợp tác, thỏa thuận của các quốc gia hữu quan. Nếu quốc gia nào vào thăm dò mà không được phép là hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán, quyền trừng phạt, xử lý theo Công ước, Luật biển.

Luật sư Phạm Vĩnh Thái, Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia TP.HCM nhấn mạnh: “Cả thế giới lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Luật Biển 1982 là cơ sở chặt chẽ để chúng ta khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và đảm bảo rằng việc khởi kiện đó hoàn toàn đúng pháp luật và Trung Quốc sẽ thua kiện”.

Các nhà nghiên cứu về biển cho biết, biển Đông là khu vực giao thông hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới, cứ 4 tàu trên Đại dương thì có 1 tàu qua biển Đông. Như vậy, việc gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông còn là việc Trung Quốc gây mất an ninh hàng hải trong khu vực, đe dọa quyền lợi của nhiều quốc gia khác. Điều này ngày càng được minh chứng rõ hơn, bởi dư luận thế giới đã nhận ra vấn đề này, và nhiều nước đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam, phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc.

Hoa Trang/VTV Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *