(kontumtv.vn) – Lần này, phía Việt Nam đề xuất là văn kiện đó mang tên Tuyên bố Hà Nội.

Ngày khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU-132 đang đến gần. Trong đó, nội dung nghị sự là một trong những vấn đề cốt lõi, đảm bảo cho sự thành công của Đại hội. Chủ đề của IPU-132 là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.

Đại hội dự kiến thông qua Nghị quyết về chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh toàn cầu; Nghị quyết thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; Nghị quyết về luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và quyền con người. Đặc biệt, một văn kiện tổng hợp được kỳ vọng sẽ thông qua tại IPU-132 là Tuyên bố Hà Nội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hà Huy Thông

Để hiểu thêm về sự chuẩn bị và những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào chương trình nghị sự này, phóng viên VOV đã  phỏng vấn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hà Huy Thông, Trưởng Tiểu ban Nội dung IPU-132.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết công tác chuẩn bị nội dung của IPU-132 đã được tiến hành như thế nào?

Ông Hà Huy Thông: Công tác chuẩn bị nội dung cho Đại hội đồng lần này đã tiến hành trong hơn 1 năm qua. Về nội dung, một là mảng vấn đề liên quan trực tiếp đến Đại hội đồng IPU, trong đó có việc chọn chủ đề. Sau khi chọn xong chủ đề, chúng ta tham gia vào những nội dung mà họ đề nghị các nước phát biểu ý kiến về lập trường. Thứ ba là đưa ra các dự thảo Nghị quyết. IPU muốn các nước đóng góp những điểm gì then chốt đưa vào trong Nghị quyết và sau khi thảo luận xong, họ đề nghị các nước đưa ra những bản dự thảo Nghị quyết và đề nghị các nước thành viên đóng góp vào.

Chúng ta cũng đã thực hiện theo đúng tiến độ và tất cả những yêu cầu của IPU. Việt Nam đã góp ý trực tiếp từng câu chữ đối với các Nghị quyết này. Cho đến nay, chúng ta đã chuẩn bị xong việc này. Bước tiếp theo, chúng ta sẽ chuẩn bị các bài phát biểu, đóng góp cho dự thảo Nghị quyết tại Đại hội đồng IPU trước khi Nghị quyết được thông qua.

PV: Xin ông cho biết lý do mà nước chủ nhà Việt Nam chọn chủ đề thảo luận chung của Đại hội đồng IPU 132 lần này?

Ông Hà Huy Thông: Theo quy định của IPU thì nước chủ nhà có một vai trò rất quan trọng trong việc chọn chủ đề chung cho phiên toàn thể. Ở những chủ đề khác thì vai trò của nước chủ nhà có mức độ thôi, nhưng riêng đối với chủ đề toàn thể thì nước chủ nhà có vai trò rất quan trọng cho nên ta đã hết sức cân nhắc về chủ đề này.

Để có được chủ đề như vậy, ta phải nhìn lại, năm 2015, Đại hội đồng IPU diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Trước hết về mặt đối ngoại, năm 2015 là năm cuối cùng cộng đồng quốc tế thực hiện 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã đưa ra từ năm 2000 cho đến năm 2015. Và thế giới chuẩn bị bước sang một giai đoạn phát triển mới, đó là Liên Hợp Quốc chuẩn bị đưa ra một chương trình nghị sự về phát triển cho 15 năm tiếp theo. Đối với Việt Nam, năm 2015 cũng là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015. Chúng tôi nghĩ đây là một sự hội tụ rất quan trọng mà rất ngẫu nhiên.

Điểm thứ hai, sau 15 năm thực hiện 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ thì thế giới đang bàn đến một chương trình nghị sự trong thời gian tới. Điều này một lần nữa lại trùng hợp với chiến lược phát triển của ta. Trước đây, có một giai đoạn ta tập trung vào phát triển nhanh và bây giờ ta phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

Tất cả chúng ta đều biết, thế giới vừa trải qua một cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ đại suy thoái năm 1929 – 1933, cho nên người ta rút ra một câu chuyện rất quan trọng, đấy là giai đoạn phát triển tới phải là giai đoạn phát triển bền vững, có nghĩa là phải dựa trên sự phát triển đồng thời đảm bảo kinh tế, xã hội, môi trường, là những vấn đề rất quan trọng và có tính chất chiến lược.

Chính trong bối cảnh như vậy, nên khi chúng ta thống nhất cùng với IPU đưa ra chủ đề như hiện nay là “Những mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Ở đây tôi phải nói thêm về “biến lời nói thành hành động” nghĩa là thế nào? Đây chính là vai trò của Nghị viện, nghĩa là Nghị viện và Quốc hội của các nước phải có một vai trò biến tất cả những mong muốn này trở thành hành động trên thực tế. Còn việc biến như thế nào thì đó là câu chuyện sắp tới Đại hội đồng IPU sẽ bàn.

PV: Một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của IPU 132 lần này được đông đảo dư luận quan tâm là những vấn đề về luật pháp quốc tế đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và vai trò của Liên minh Nghị viện Thế giới đối với sự đảm bảo hòa bình, an ninh cũng như là những vấn đề về dân chủ, nhân quyền. Xin ông nói rõ thêm sự cần thiết của nước chủ nhà trong việc tham gia và đóng góp vào những nội dung trên?

Ông Hà Huy Thông: Tại Đại hội đồng IPU lần này, trong 4 Ủy ban thường trực của IPU thì có 3 Ủy ban  xem xét để thông qua 3 Nghị quyết, trừ Ủy ban 4 là Ủy ban về Các vấn đề Liên Hợp Quốc mới thành lập chưa có một dự thảo Nghị quyết nào để thông qua.

Chủ đề của Ủy ban về Dân chủ và Nhân quyền đưa ra khá là rộng, chủ đề là Luật pháp quốc tế, những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ và vấn đề quyền con người. Như vậy là có 4 phạm trù trong chủ đề này. Thực ra chủ đề này đã được thảo luận tại Đại hội đồng IPU 130 và 131. Theo dự kiến là tại Đại hội đồng IPU 131, nghị quyết này phải được thông qua, nhưng vì còn một số vấn đề, Đại hội đồng đã quyết định chuyển dự thảo Nghị quyết này sang Đại hội đồng IPU 132 ở Hà Nội.

Ủy ban 3 về vấn đề Dân chủ và Nhân quyền còn thảo luận một nội dung nữa cũng rất quan trọng đối với thế giới cũng như đối với Việt Nam, đó là vấn đề dân chủ trong kỷ nguyên số. Đây cũng là chủ đề thu hút sự chú ý của dư luận cũng như của IPU. Tất cả các chủ đề này, đoàn Việt Nam đều đã chuẩn bị nội dung và tùy tình hình diễn biến tại Đại hội, đoàn Việt Nam sẽ lên tiếng một cách thích hợp để bày tỏ những quan điểm của chúng ta, ít nhất là dưới góc độ Nghị viện về các vấn đề này.

PV: Kỳ vọng của nước chủ nhà Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của Liên minh Nghị viện Thế giới qua IPU-132 là như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Huy Thông: Mỗi một kỳ Đại hội đồng của IPU, thường có một văn kiện tổng hợp lại tất cả những ý kiến và những kết luận đã được sự đồng thuần của Đại hội đồng. Lần này, phía Việt Nam đề xuất là văn kiện đó mang tên Tuyên bố Hà Nội. Chúng tôi nghĩ, cái đó xuất phát từ nhiều nhu cầu hội tụ của sự phát triển thế giới, cũng xuất phát từ lợi ích của chính nước chủ nhà nên ta đưa ra một đề xuất như vậy.

Văn kiện này dù tên nó là gì thì nó có 2 điểm: Một là nội dung phải phản ánh được những vấn đề, ý nghĩa và vai trò của nó cũng như vai trò của Nghị viện. Thứ hai là văn kiện này sẽ được coi như một văn kiện chính thức của Đại hội đồng IPU-132 ở Việt Nam, ở Hà Nội để chuyển tới Hội nghị Thế giới Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Nghị viện của các nước cuối tháng 8/2015, trước khi được chuyển cho Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 9.

Như vậy, đây là cơ hội rất quan trọng, nhưng còn tùy kết quả như thế nào. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây là cơ hội cho chúng ta, nước chủ nhà, có thể đóng góp vào không chỉ vai trò của IPU mà có thể nói rộng hơn là đóng góp cho quá trình phát triển bền vững của thế giới trong giai đoạn tới. Đấy là lý do vì sao nó quan trọng như vậy.

Tôi kỳ vọng và hy vọng Đại hội đồng có thể thông qua văn kiện nào đó mang tên Hà Nội. Chúng ta kỳ vọng và mong muốn như vậy, còn nó được thông qua hay không còn phải do 166 nước thành viên.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Diệu Hương/VOV-Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *