Từ chỗ chủ động bảo vệ nền hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam đã sẵn sàng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Đây là bước chuyển về tư duy, sự kiện này ghi một dấu mốc trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Những trạm xá cấp 2, hay thực hiện rà phá bom mìn sẽ là hai trong số ít nhất 4 hoạt động chính mà Quân đội Việt Nam sẽ thực hiện khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Sau tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ ngày 27/9, Việt Nam sẽ đứng trong hàng ngũ 116 quốc gia đóng góp quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình của tổ chức lớn nhất hành tinh, sau 8 năm chuẩn bị.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Chúng ta đang tích cực chuẩn bị để đưa lực lượng công binh và quân y tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Có hai lý do, thứ nhất, đây là những lĩnh vực và Việt Nam có thế mạnh; thứ hai là không tham gia vào các xung đột. Chúng ta vừa đảm bảo không tham gia vào xung đột, không tham gia vào các tranh chấp, nếu giả sử có ở các địa bàn chúng ta đưa quân đi, nhưng đồng thời chúng ta cũng bảo vệ cho cán bộ, chiến sĩ ở những nơi an toàn nhất có thể”.

Tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, với quyết định này, Việt Nam không chỉ dừng ở mức đóng góp bằng tài chính hay bằng tiếng nói, mà bằng nhân lực vào công việc chung của LHQ. Sự kiện này đã thêm một lần nữa chứng minh Việt Nam thực sự là thành viên có trách nhiệm của LHQ. Và mục đích rất rõ ràng là tham gia củng cố, kiến tạo hòa bình và góp phần phát triển ở những khu vực khó khăn, Việt Nam sẽ tham gia chia sẻ về những lĩnh vực ít nhạy cảm.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Ảnh minh họa: TTXVN 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: “Không phải đưa quân đi đánh thuê, chúng ta không đưa cán bộ, chiến sĩ vào những nơi có chiến tranh, mà chúng ta chỉ làm những việc mang tính chất củng cố hòa bình và tái thiết những đất nước còn nghèo. Đây là sứ mệnh rất cao cả, thể hiện chủ trương của Đảng là tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Trước hết, chúng ta sẽ cử một số quan sát viên vừa là quan sát viên, vừa là sĩ quan tham mưu, vì ở vị trí tham mưu và quan sát viên thì chúng ta sẽ thấy được toàn cục của lực lượng gìn giữ hòa bình. Họ chính là các đầu mối để nắm bắt thông tin, đồng thời thu thập kinh nghiệm để chúng ta đưa quân đi trong thời gian tới”.

Theo dự kiến, việc thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Việt Nam sẽ diễn ra tại Nam Sudan và Mali trong thời gian sớm nhất.

TS Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao nhận định: “Đã có rất nhiều đánh giá tích cực đối với việc Việt Nam quyết định tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, thể hiện như trong lời phát biểu của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trong buổi tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại New Yoork hồi tháng 7 vừa qua. Việt Nam trên vai trò của một quốc gia yêu chuộng hòa bình đã trải qua nhiều mất mát đau thương trong chiến tranh thì Việt Nam cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm quý báu với cộng đồng quốc tế. Tất cả những hoạt động này diễn ra trong những nguyên tắc rất cơ bản mà Việt Nam tôn trọng, đó là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam, cũng như tại quốc gia mà Việt Nam dự kiến có cái gìn giữ hòa bình, đồng thời Việt Nam cũng sẽ đảm bảo nguyên tắc vô tư, không thiên vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.

Cho dù hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo, nhưng những xung đột, bạo lực và tranh chấp lãnh thổ vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ cần một hành vi thiếu trách nhiệm đều có thể dẫn tới xung đột, thậm chí là chiến tranh, nền hòa bình có thể sẽ bị đe dọa. Thấu hiểu sự sẻ chia giúp đỡ của bè bạn quốc tế đã giúp Việt Nam giành và giữ độc lập, thống nhất, thoát khỏi đói nghèo, Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình là góp phần ngăn chặn những hành động trái với Hiến chương của LHQ, trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.

Ngọc Hà / VTV News

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *