(kontumtv.vn) – Góc nhìn của một cựu phóng viên chiến trường Mỹ về Việt Nam trong thời chiến và thời bình.

Với gần 40 năm làm báo, phóng viên gạo cội người Mỹ, David Lamb đã đặt chân tới gần 190 quốc gia, có mặt tại những sự kiện nóng của thế giới như cuộc cách mạng Iran năm 1979, nạn đói tại châu Phi, cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991… Nhưng hơn 2 năm lăn lộn tại chiến trường Việt Nam, đối mặt với cái chết thường trực, mới là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm báo của ông.

Sau chiến tranh, David sang Hà Nội làm phóng viên thường trú cho tờ Los Angeles Times và trở thành phóng viên báo viết duy nhất của Mỹ tác nghiệp tại Việt Nam trong cả chiến tranh lẫn thời bình.

Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ đã trò chuyện với David Lamb để cùng chia sẻ những trải nghiệm của ông về một Việt Nam trong thời chiến và thời bình.

David Lamb và phóng viên VOV

Sang Việt Nam vào thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến

PV: Ông đã có mặt tại miền Nam Việt Nam từ năm 1968 đến năm 1970, thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, trong vai trò một phóng viên chiến trường. Vì sao ông lại quyết định đến đó?

Ông David Lamb: Hồi đó, tôi là một nhà báo trẻ mới ngoài 20 tuổi và đang làm việc tại San Francisco. Nghĩ rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến lớn đối với thế hệ chúng tôi nên khi đó tôi bỗng tự thốt lên “Chúa ơi, nếu không viết về cuộc chiến tranh này thì mình còn làm báo làm gì nữa, sao không lái taxi hay làm nhân viên ngân hàng cho rồi”. Thế là tôi liên hệ với biên tập viên phụ trách mảng quốc tế của hãng tin UPI và tình nguyện sang Việt Nam. Chừng một tháng sau thì đề nghị của tôi được chấp thuận.

Trên thực tế, tôi được cử sang thay thế một đồng nghiệp UPI đã thiệt mạng tại chiến trường Việt Nam và người kế nhiệm tôi sau đó cũng không thể trở về. Trong 3 phóng viên UPI khi đó, tôi là người duy nhất sống sót. Nguy hiểm là vậy nhưng tôi không bao giờ hối tiếc về quyết định đã sang Việt Nam.

PV: Khi biết mình sang thay thế một đồng nghiệp vừa tử nạn tại chiến trường, ông có thấy sợ không?

Ông David Lamb: Tất nhiên là sợ lắm. Nỗi sợ hãi cứ đeo đẳng tôi trong suốt thời gian ở Việt Nam và kể cả sau khi đã rời khỏi đó. Tôi theo chân lực lượng thủy đánh bộ Mỹ ra Đà Nẵng, khu phi quân sự, Đông Hà, đường 9…, lần nào cũng sợ chết khiếp.

Nhưng nỗi sợ dần trở thành một phần trong nhịp sống hàng ngày của tôi. Mỗi sáng ngủ dậy, tôi khoác áo giáp chống đạn, đội mũ sắt và lao ra nơi chiến sự, lâu rồi cũng thành quen. Không phải nỗi sợ đã vơi bớt mà nó dần trở thành một thứ cảm xúc mà tôi có thể thỏa hiệp được và không nghĩ nhiều đến nó nữa.

“Tôi đã thay đổi nhận thức về chiến tranh khi sang Việt Nam…”

Trước khi sang Việt Nam, tôi ủng hộ chiến tranh…

PV: Quan điểm của ông về cuộc chiến tranh Việt Nam trước và sau khi đến Việt Nam?

Ông David Lamb: Đó là một sự thay đổi lớn trong nhận thức. Trước khi đến Việt Nam, về cơ bản tôi ủng hộ chiến tranh, cho rằng đó là điều Mỹ nên làm, tức là chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Chúng ta nên đặt những suy nghĩ của tôi trong bối cảnh thời gian vì khi đó đang là thời kỳ Chiến tranh lạnh và cuộc chiến tranh Triều Tiên cũng kết thúc cách đó chưa lâu.

Tôi sinh ra tại Boston trong một gia đình Cộng hòa bảo thủ. Chúng tôi ủng hộ cuộc chiến vì tin rằng bất cứ những gì mà chính phủ, đất nước nói đều đúng. Nhưng trong 2 năm ở Việt Nam, quan điểm của tôi đã hoàn toàn đảo ngược.

Tôi nhận ra rằng đây là cuộc chiến mà Mỹ sẽ không thể chiến thắng, cuộc chiến mà đáng lẽ Mỹ không nên tham gia. Hồ Chí Minh không hề là mối đe dọa với Mỹ, ông ấy chỉ muốn chúng tôi rút khỏi Việt Nam chứ đâu muốn tấn công chúng tôi hay tiến hành một cuộc cách mạng ở Mỹ. Đáng tiếc là rất nhiều người Mỹ khi đó đã không nhận thức được điều này.

PV: Vậy có nghĩa là, nhiều quân nhân Mỹ sang Việt Nam mà không thực sự hiểu bản chất của cuộc chiến?   

Ông David Lamb: Cũng giống như tôi, họ tham chiến vì cho rằng chính phủ Mỹ đúng và hưởng ứng lời kêu gọi chính phủ là nghĩa vụ quốc gia của mỗi công dân. Chúng tôi đã tô hồng chiến tranh, hãy thử xem phim Mỹ mà xem, hay chúng ta để ý tại Washington DC có rất nhiều tượng tướng lĩnh. Không riêng gì Mỹ mà nhiều nước cũng tô hồng chiến tranh, bằng cách này hay cách khác.

Các quân nhân Mỹ tới Việt Nam vì rất nhiều lý do, có người muốn thoát khỏi nước Mỹ, có người muốn thử thách bản lĩnh đàn ông, nhưng trong đó chống lại chủ nghĩa Cộng sản là một lý do chủ yếu vì như tôi đã nói thì đó là chuyện Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ, và Việt Nam dường như bị kẹt ở giữa.

PV: Theo ông thì vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam?

Ông David Lamb: Rõ ràng một trong những sai lầm lớn nhất của chúng tôi là không hiểu người Việt Nam, không hiểu lòng kiên nhẫn, sự ngoan cường, chủ nghĩa dân tộc, năng lực chiến đấu, lịch sử, văn hóa, và ngôn ngữ của các bạn. Đối với thắng bại trong chiến tranh thì đó là sự thiếu hiểu biết chết người.

Một cuốn sách về Việt Nam của David Lamb

Hiểu thêm về Việt Nam

PV: Từng sống và làm việc tại Việt Nam trong cả thời chiến lẫn thời bình, đâu là sự khác biệt trong trải nghiệm của ông tại đây qua hai thời kỳ?

Ông David Lamb: Thời kỳ ở Việt Nam trong chiến tranh là lần đầu tiên tôi sống ở nước ngoài, một trải nghiệm tuyệt vời khi được tìm hiểu một nước khác. Thực ra thì trong chiến tranh tôi cũng không hiểu hết về Việt Nam, về lịch sử, về văn hóa của các bạn cho đến khi trở lại vào thời điểm hòa bình đã được tái lập.

Thực lòng thì Việt Nam thời bình mới là Việt Nam mà tôi yêu mến, khi vợ chồng tôi có dịp được sống và làm việc 4 năm tại Hà Nội.

Nói một cách thẳng thắn thì tôi không quan tâm đến người Việt Nam khi còn ở miền Nam vì phần lớn thời gian tôi sống với người Mỹ do đặc thù công việc của một phóng viên chiến trường. Tất nhiên là tôi cũng có một vài người bạn Việt rất thú vị nhưng không giao du rộng.

Nhưng sau này thì khác, tôi kết bạn với rất nhiều người ở Việt Nam, quen nhiều Việt kiều Mỹ và cộng đồng người Việt đang làm việc tại đây…và qua đó rất tôn trọng người Việt Nam, hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam.

Trong thời kỳ chiến tranh, chúng tôi nghĩ Hà Nội chắc giống như một cái làng lớn, nghèo nàn, lạc hậu nhưng khi đặt chân tới đây mới ngỡ ngàng trước một thành phố tuyệt đẹp với những con phố rợp bóng cây, biệt thự kiến trúc Pháp. Tôi cho rằng Hà Nội là một trong những thành phố đẹp nhất châu Á.

Tôi cùng vợ đến làm việc tại Hà Nội năm 1997 theo hợp đồng 2 năm với tờ Los Angeles Times. Nhưng khi hết nhiệm kỳ, chúng tôi đã đề nghị được ở lại thêm 1 năm rồi lại 1 năm nữa. Sau 4 năm, chúng tôi vẫn không muốn rời xa Hà Nội nhưng tờ báo bắt đầu thực hiện chính sách luân chuyển phóng viên thường trú và tôi được điều sang Jakarta (Indonesia) để thay thế một đồng nghiệp.

Cho đến giờ thì chúng tôi vẫn nhớ Hà Nội lắm. Sau khi về Mỹ, vợ tôi bị trầm cảm mất 6 tháng. Bà ấy nhớ nhịp sống sôi động của Hà Nội, nhớ xóm đúc đồng gần hồ Trúc Bạch nơi chúng tôi sống, nhớ những cô hàng hoa đạp xe quanh phố… những điều không thể tìm được ở Mỹ. Tôi thì may mắn hơn vì từ đó đến nay hầu như năm nào cũng có dịp trở lại Việt Nam, hoặc là theo tua du lịch hoặc đi viết bài. Do vậy mà chúng tôi vẫn giữ được quan hệ gắn kết với Hà Nội.

PV: 40 năm đã trôi qua, nhưng cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn để lại những vết thương không dễ lành cho chính bản thân người Việt. Là một người gắn bó với Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua và làm bạn với những người từng ở hai bên chiến tuyến, ông nghĩ thế nào về tiến trình hòa hợp dân tộc của Việt Nam?

Ông David Lamb: Tôi đã nhận thấy những thay đổi lớn và tích cực từ khi ở Hà Nội vào năm 1997. Sau những nghi ngại ban đầu thì Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy rằng Việt kiều, với tri thức và nguồn lực tài chính, là một tài sản lớn đối với sự phát triển của đất nước Việt Nam.

Ngược lại, có những thời điểm, có lẽ vào đầu những năm 1990, thế hệ Việt kiều trẻ tại Mỹ từng tự hỏi về nhân thân của mình, họ không biết mình là người Mỹ hay người Việt nhưng rồi nhiều người đã trở về quê hương để dạy học, làm ăn hay thăm thân.

Thế hệ nhiều tuổi hơn, khá bảo thủ thì nói rằng họ rất muốn về Việt Nam nhưng sẽ không về chừng nào còn chính quyền Cộng sản. Nhưng thực tế thì mọi việc đã thay đổi khi nhiều người trong số này đã trở về thăm quê hương, họ mạc.

Tôi cũng đã chứng kiến sự hòa hợp rất tốt giữa miền Bắc và miền Nam, chẳng hạn như ở miền Nam, ở thành phố Hồ Chí Minh bây giờ chẳng ai còn quan tâm đến chuyện hàng xóm của mình đứng về phía bên nào trong chiến tranh nữa.

Một điểm nhấn nữa của tiến trình hòa hợp dân tộc là nghĩa trang của binh sỹ Việt Nam Cộng hòa ở Biên Hòa giờ đã được tu bổ, chỉnh trang, chăm sóc chu đáo. Đó là điều tuyệt vời.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Nhật Quỳnh-Huy Hoàng/VOV-Washington

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *