(kontumtv.vn) -Tư lệnh ngành Giao thông đã rất nghiêm túc, quyết liệt, điều mà không phải Bộ trưởng nào cũng làm được.

Tuần qua, hàng loạt sự kiện “nóng” đã diễn ra. Đáng lưu ý là việc tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Nguyễn Hữu Thắng – Cục trưởng cục Đường sắt Việt Nam; xét xử vụ án tham nhũng tại Vinalines, diễn biến dịch sởi…

Bộ trưởng Đinh La Thăng lại “trảm” tướng

Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Nguyễn Hữu Thắng – Cục trưởng cục Đường sắt Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Đường sắt bị đình chỉ do phát ngôn không đúng và thiếu trách nhiệm liên quan đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến uy tín ngành giao thông vận tải, văn bản của Bộ Giao thông nêu. Ông Trần Phi Thường – Phó cục trưởng Cục Đường sắt tạm thời thay ông Thắng.

 

Dự án Cát Linh – Hà Đông được Bộ giao Cục đường sắt Việt Nam là Chủ đầu tư, Tổng công ty Tư vấn và Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) là Tư vấn thiết kế, Tổng thầu EPC là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.

Được triển khai năm 2008 với tổng đầu tư hơn 552 triệu USD, tuyến đường sắt đô thị đã hoàn thành mặt bằng 10 km trong tổng chiều dài 13 km. Theo kế hoạch mới nhất, tuyến đường sẽ đi vào hoạt động năm 2015 – chậm tiến độ 2 năm, đồng thời đội chi phí lên hơn 60% so với dự toán ban đầu. Ban quản lý dự án đường sắt lý giải, quá trình thực hiện có một số hạng mục phải bổ sung, phát sinh và điều chỉnh. Việc chậm giải phóng mặt bằng làm thời gian thực hiện dự án kéo dài và tăng chi phí lớn.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Giao thông làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tổ chức khi để dự án Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ và đội giá hơn 300 triệu USD; các cơ quan liên quan phải làm việc với đối tác Trung Quốc để bổ sung nguồn vốn ODA cho phần tăng thêm.

Việc Bộ trưởng Đinh La Thăng “trảm” tướng một lần nữa được dư luận đánh giá cao; là vị Tư lệnh ngành có lời nói – hành động quyết đoán nhất.

Loanh quanh chuyện có dịch sởi hay không?

Dù Bộ Y tế không công bố và chưa công nhận có dịch sởi nhưng những ngày qua nhiều gia đình đã phải cùng với con em mình vận lộn với bệnh sởi. Đã có cả trăm gia đình mãi mãi không còn thấy mặt con vì căn bệnh tưởng như rất đơn giản xưa nay. Điều đáng nói ở đây, hàng nghìn trẻ mắc bệnh, hơn 100 bé đã bị cướp đi mạng sống nhưng những phản ứng của ngành y tế càng khiến dư luận bức xúc. Đơn cử chỉ là con số thống kê do Bộ Y tế đưa ra cũng bất nhất.

 

Ngày 14/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cả nước có 6.611 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, với 25 ca tử vong do sởi.

Tuy nhiên, chiều tối 15/4, ngành y tế báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại BV Nhi Trung ương, con số mắc vẫn là 6.611 trường hợp, nhưng số ca tử vong liên quan đến sởi đã là 108. Điều này khiến dư luận không thể không giật mình vì cho rằng có sự “tiền hậu bất nhất”.

Chưa hết. Ngày 16/4, vào lúc 13h, trước sức ép của dư luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có một cuộc gặp báo chí tại BV Nhi Trung ương và con số mắc sởi lúc này đã là hơn 7.000 trường hợp với 108 ca tử vong.
Song, chỉ vài tiếng sau, ngay trong chiều 16/4, trong công điện của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch sởi, thì con số đã lên “8.441 người với 108 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi” (con số này chắc hẳn do Bộ Y tế báo cáo).

Dù Bộ Y tế (cơ quan chuyên môn giúp Chính phủ) có khẳng định dịch sởi đang hoành hành hay không thì sự thật hiển nhiên là người dân, đặc biệt là các em nhỏ vẫn đang chịu đựng và chống trọi với dịch sởi.

Xét xử phúc thẩm vụ Tham nhũng ở Vinalines: vẫn chưa tuyên án

Buổi tuyên án chiều 25/4 theo kế hoạch của HĐXX phúc thẩm của TAND tối cao tại Hà Nội không diễn ra. Nhận thấy còn nhiều điểm chưa rõ trong vụ án, tòa quyết định quay lại xét hỏi thêm.

 

Tại phiên xét xử chiều 25/4 của phiên tòa phúc thẩm vụ án tham nhũng tại Vinalines, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn bất ngờ tuyên bố chưa tuyên án và quay lại phần xét hỏi.

HĐXX muốn làm rõ hơn hành vi trao nhận tiền tham ô của các bị cáo cũng như hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong phiên xét xử chiều 25/4, bị cáo Trần Hải Sơn – Cựu TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines được HĐXX và các luật sư “xoay” liên tục về việc trao, nhận số tiền 1,67 triệu USD.

Gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thêm 5 năm

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 161/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.

 

Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp trước mắt cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII theo hướng gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thêm 5 năm (đến ngày 1/7/2019) đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, ký văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam vào Chương trình của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII để xem xét, thông qua.

 

Đề án 34.000 tỷ của Bộ Giáo dục-Đào tạo lại gây “bão”

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã chính thức xin rút nội dung thảo luận về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc của Quốc hội.

Liên quan đến Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa này, trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận đã lên tiếng nhận trách nhiệm “sơ suất” của cấp dưới trong việc báo cáo con số bởi hôm đó ông đi công tác nước ngoài.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói rằng, “nếu cần phải có đến 34.000 tỷ để biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới thì tôi cũng không đồng tình, cũng là lãng phí và phi lý.”

Về nguồn gốc của con số 34.000 tỷ đồng, người đứng đầu Bộ Giáo dục cũng cho biết, “sau khi tìm hiểu chúng tôi được biết là tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia khác nhau. Trong mấy ngày gần đây, phương tiện truyền thông cũng nói đến con số 34.000 tỷ đồng và nhiều các số liệu tiền nong khác, đó là những số liệu được trích ra từ các kết quả tổng hợp nghiên cứu của các nhóm chuyên gia….”
Ông giải thích thêm rằng “con số 34.000 tỷ đó không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình sang Ủy ban thường vụ Quốc hội.” và khẳng định thêm: “hồ sơ mà chúng tôi đã gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bạn có thể xem và sẽ thấy ở đây không có con số nào về tiền nong cả”.

Hội An giải thích việc thu phí khách tham quan

Việc thu phí khách tham quan phố cố Hội An đã khiến dư luận phản ứng. Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam giải thích: “Mỗi năm, phố cổ Hội An thất thu khoảng 40% từ tiền bán vé, do vậy việc làm này để chống thất thu, tăng thêm kinh phí cho tu sửa di tích. Và việc bán vé này hoàn toàn tuân theo Quy định của Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, sau khi tăng cường kiểm soát chống thất thu tiền vé, lộ ra nhiều điều bất hợp lý, thành phố Hội An sẽ thay đổi lại. Theo đó, khách đến Hội An mua vé 1 lần có giá trị cho cả hành trình dù là 1 ngày hay 1 tháng.”

 

“Khách đến đến Hội An chỉ cần mua vé 1 lần suốt thời kỳ anh ở lại, kể cả 1 tháng, khách có quyền đi vào phố cổ. Vấn đề này chúng tôi đã họp và thống nhất vấn đề này. Vấn đề thứ 2 đối với du khách khi người ta đi lẻ vào chúng ta mời người ta mua vé, nhưng người ta nói là chưa mua vé thì hoặc quên vé thì vẫn linh hoạt để cho người ta đi, không chèo kéo.”

“Vấn đề thứ 3 đối với khách Việt đi theo đoàn thì phải bán vé vì bản thân anh bán Tour anh đã lấy tiền rồi. Còn khách người ta đi gia đình năm ba người vào đi quanh phố mà không vào di tích thì cứ để người ta đi. Thậm chí khách làm việc họ đi vào thì không nhất thiết phải thu vé vì tôi nghĩ đó không phải là nguồn thu lớn lắm đối với thành phố.”./.

Vũ Hạnh/VOV online 
(Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *