(kontumtv.vn) – Trong tuần qua, 34 trẻ em và người già được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề đã được đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội.

Sáng 22/8, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội kết hợp với lực lượng chức năng đưa 34 trẻ em và người già được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề về các trung tâm bảo trợ xã hội. Đa số trẻ em được chuyển đi trong đợt đầu tiên này là trẻ em khuyết tật.

Hơn 100 người còn lại, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quận Long Biên và chùa Bồ Đề đang thống nhất thời gian để chuyển dần về các trung tâm khác

Ngày 22/8, Văn phòng Thành ủy Hà Nội phát đi thông báo ý kiến của Thường trực Thành ủy về công tác quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên.

Trẻ em tại chùa Bồ Đề

Theo đó, bên cạnh việc yêu cầu các cơ quan chức năng phân loại để đưa các đối tượng tái hoà nhập cộng đồng và đưa về nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ xã hội, Thường trực Thành ủy cũng “cho phép nhà chùa nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội” nếu chùa Bồ Đề có nguyện vọng. Tuy nhiên việc nuôi dưỡng phải theo đúng quy định của pháp luật, với tinh thần các đối tượng phải được chăm sóc tốt.

Các cơ quan chức năng được Thành ủy yêu cầu phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức tôn giáo rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở bảo trợ trên toàn thành phố hoàn thiện thủ tục, nếu đủ điều kiện; đồng thời, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự.

Thành ủy yêu cầu công an thành phố tiếp tục điều tra, sớm kết luận vụ việc có dấu hiệu mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm để có phương án xử lý hợp tình, hợp lý, theo đúng quy định của pháp luật.

Vĩnh biệt những con người làm nên lịch sử Việt Nam

Những cái tên Võ Thị Thắng, Xuân Giao, Anh Đức đã in sâu trong trái tim hàng triệu người Việt Nam. Tên tuổi của các vị đã gắn liền với lịch sử hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Sự ra đi của họ là một mất mát lớn đối với đất nước.

Nhạc sĩ Xuân Giao, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Cô gái mở đường”, “Em mơ gặp Bác Hồ”, “Cháu yêu bà”…đã qua đời lúc 19h25 phút ngày 21/8, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhạc sĩ Xuân Giao sinh năm 1932, quê gốc ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, nhưng ông lại trưởng thành ở đất Kiến An, Hải Phòng. Ông bắt đầu con đường âm nhạc từ một diễn viên hát giọng nam trầm của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị.

Từ năm 1960, ông là cán bộ biên tập Nhà Xuất bản Âm nhạc. Vừa làm công tác biên tập vừa sáng tác, ông đã có nhiều ca khúc nổi tiếng, đặc biệt là trong Kháng chiến chống Mỹ như “Bài ca biên phòng”, “Giữ biển trời Quảng Bình – Vĩnh Linh”, “Đi tới những chân trời”, “Cô gái mở đường”, “Chào sông Mã anh hùng”… Trong đó, “Cô gái mở đường” vẫn được xem là một trong những khúc ca hay nhất viết về thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn.

 “Nụ cười chiến thắng đã” làm kẻ thù phải khiếp đảm

Bà Võ Thị Thắng, trong kháng chiến chống Mỹ, nổi tiếng với bức hình “Nụ cười chiến thắng” đã mất hồi 8h20 ngày 22/8 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 69 tuổi. Bà Võ Thị Thắng nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và khóa X; Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI; nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Hữu nghị Hội Phụ nữ; Hội Thanh niên Cu ba; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng…

Nhà văn Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ra ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Khi Cách mạng tháng 8 thành công và tiếp đến là ngày độc lập 2/9, nhà văn mới hơn 10 tuổi. Sau đó chỉ 21 ngày, giặc Pháp bắt đầu trở lại xâm lấn ở An Giang quê ông và toàn bộ Nam Bộ đều sục sôi quyết tâm đánh giặc, dù phải hy sinh tới giọt máu cuối cùng, dù trong tay chủ yếu chỉ có giáo mác, súng ống còn ít ỏi thô sơ.

Nóng câu chuyện thi tuyển công chức, sử dụng biên chế trong các cơ quan

Vụ việc tiêu cực liên quan đến thi tuyển công chức ở Bộ Công thương tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an xử lý sai phạm trong thi tuyển công chức Cục Quản lý thị trường.

Cũng liên quan tới việc quản lý, sử dụng biên chế, từ 12-29/8, Thường trực HĐND TP Hà Nội lập Đoàn giám sát về việc thực hiện tổ chức bộ máy biên chế hành chính, sự nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, số biên chế được Hội đồng nhân dân thành phố giao là trên 150.000 người, nhưng danh sách biên chế chính thức hiện mới chỉ là gần 140.000 người.

Có những thông tin cho rằng, các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở Hà Nội không đăng ký tuyển dụng cho đủ chỉ tiêu biên chế nhưng lại tự ý ký hợp đồng lao động với hơn 11.000 người. Trong đó, có nhiều đơn vị ký hợp đồng lao động tùy tiện, thời gian lao động và công việc không rõ ràng, chế độ tiền lương không đúng theo quy định.

Đã có 13 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong năm nay

Bộ Tài chính – Công thương đã chính thức yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu giảm giá bán lẻ xăng là 600 đồng/lít từ 15h ngày 18/8. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu đã có 13 lần điều chỉnh. Tổng giảm của mặt hàng xăng đã gần bằng tổng mức tăng. Với 5 lần tăng, mặt hàng xăng có tổng giá trị tăng là 1.450 đồng/lít và với 3 lần giảm, tổng mức giảm là 1.430 đồng/lít.

Tuy nhiên, theo công bố của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, thì các DN xăng dầu vẫn đang lãi rất lớn. Số liệu công bố trên trang web của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho thấy, giá cơ sở theo Nghị định 84 của mặt hàng xăng ngày 14/8 chỉ là 24.473 đồng/lít, thấp hơn giá bán lẻ hiện hành 337 đồng/lít. Tuy nhiên, trong giá cơ sở đã bao gồm lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Bên cạnh đó, thời điểm trước khi giảm giá xăng dầu các DN kinh doanh xăng dầu còn được sử dụng Quỹ Bình ổn giá là 300 đồng/lít đối với mặt hàng xăng. Có nghĩa, hiện các DN thực lãi tới 937 đồng/lít xăng.

Băn khoăn về đề án 4.000 tỷ đồng mua máy tỉnh bảng cho học sinh

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu về Đề án Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Một số ý kiến đồng tình, nhưng nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục và phụ huynh còn băn khoăn về việc triển khai đề án này trong thực tế.

 

Còn nhiều ý kiến trái chiều quanh đề án 4.000 tỷ

Mặc dù đều công nhận hiệu quả của công nghệ thông tin đối với hoạt động dạy và học trong trường học, nhưng nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của đề án này như: hiệu quả sử dụng của sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng, sức khỏe của trẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu sử dụng thiết bị công nghệ, chương trình học của trẻ thay đổi như thế nào so với sách giáo khoa hiện nay…/.

 

Vũ Hạnh/VOV.VN (tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *