(kontumtv.vn) – Việc xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh tại sân bay Đà Nẵng là một minh chứng rõ nét cho thấy Hoa Kỳ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam.

Chiều 17/10, tại thành phố Đà Nẵng, Đoàn Công tác Bộ Quốc phòng Việt Nam, do Thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân làm Trưởng Đoàn, có buổi làm việc với Đoàn Nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ, do Hạ Nghị sỹ Ted Yoho, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á và Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ làm Trưởng đoàn, về công tác khắc phục hậu quả chiến tranh.

viet nam va hoa ky hop tac khac phuc hau qua chien tranh hinh 1
Khu vực xử lý dioxin tại Sân bay Đà Nẵng.

Theo kết quả điều tra, tất cả 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Hiện có 3 điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học dioxin sau chiến tranh là: sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định và sân bay Đà Nẵng.

Những năm qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ xử lý triệt để khoảng 90.000m3 đất, bùn nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng, với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ và 60 tỷ đồng từ vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam; thực hiện khảo sát, đánh giá môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, xác định một số giải pháp cho Dự án tổng thể xử lý dioxin tại Biên Hòa.

Để tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương trong khắc phục hậu quả chiến tranh, hai bên thống nhất xử lý dứt điểm chất độc hóa học tồn lưu tại sân bay Đà Nẵng, đề nghị Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ đảm bảo vốn ODA không hoàn lại giúp khắc phục ô nhiễm môi trường do chất độc hóa học dioxin tồn lưu sau chiến tranh tại 2 sân bay Biên Hòa và Phù Cát.

Ông Ted Yoho, Hạ Nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á và Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, cho biết: “Chính phủ Hoa Kỳ rất coi trọng quan hệ hợp tác với Chính phủ Việt Nam. Việc xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh tại sân bay Đà Nẵng là một minh chứng rõ nét. Chúng ta đang làm những việc tốt để thế hệ tương lai của chúng ta không có mâu thuẫn hoặc xung đột nào khi nhắc về quá khứ chiến tranh”./.

Hoài Nam/VOV-Miền Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *